Trang chủ > Lớp 7 > Giải BT Lịch sử 7 (ngắn nhất) > Lịch Sử 7 Bài 19 phần 1: Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn - trang 85

Lịch Sử 7 Bài 19 phần 1: Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn - trang 85

Bài 19 phần 1 ngắn nhất: Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Trả lời câu hỏi Lịch Sử 7 Bài 19 trang 85: Vì sao hào kiệt khắp nơi tìm về Lam Sơn?

Giải đáp:

Hào kiệt khắp nơi tìm về Lam Sơn vì:

- Trước cảnh nước mất, nhân dân cả nước luôn có ý chí quyết tâm đánh đuổi quân giặc, giành lại độc lập, chủ quyền cho nước nhà. Chính vì vậy nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra nhưng cũng gặp nhiều thất bại. Nhưng không nản chí nhiều người dân vẫn nuôi chí lớn phục thù cho nước, cho dân.

- Lê Lợi lại là một người hào trưởng có uy tín ở vùng Lam Sơn, Thanh Hóa. Trước tình thế đất nước lâm nguy, ông đã đứng dậy khởi nghĩa.

- Ông bí mật liên lạc với các hào kiệt kêu gọi mọi người cùng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Trả lời câu hỏi Lịch Sử 7 Bài 19 trang 86: Tại sao Lê Lợi đề nghị tạm hòa với quân Minh?

Giải đáp:

Lê Lợi đề nghị tạm hòa với quân Minh vì:

- So sánh tương quan lực lượng giữa hai bên: Quân Minh lực lượng mạnh, chiếm nhiều lợi thế. Quân ta lực lượng mỏng, còn thiếu thốn về nhiều thứ như vũ khí, lương thực…

- Hơn nữa quân ta đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu lương thực trầm trọng, đói rét, Lê Lợi đã phải giết cả voi, ngựa để nuôi quân.

=> Lê Lợi đã quyết định tạm hoà với giặc để chuẩn bị lực lượng. Đây là một quyết định đúng đắn.

Bài 1 trang 86 Lịch Sử 7: Em hãy trình bày tóm tắt diễn biến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trong giai đoạn 1418 – 1423?

Giải đáp:

Diễn biến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trong giai đoạn 1418 – 1423:

- Tháng 2/1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn tự xưng là Bình Định Vương.

- Những năm đầu, lực lượng nghĩa quân còn yếu và gặp nhiều khó khăn. Quân Minh tấn công nhiều lần, nghĩa quân phải rút lên núi Chí Linh ba lần.

- Giữa năm 1418, quân Minh huy động một lực lượng mạnh, truy quét và quyết bắt giết Lê Lợi. Trước tình hình nguy cấp đó, Lê Lai đã cải trang làm Lê Lợi, cùng nghĩa quân giải phá vòng vây và dũng cảm hi sinh. Quân Minh tưởng rằng đã giết được Lê Lợi nên rút quân.

- Cuối năm 1421, hơn 10 vạn quân Minh mở cuộc tấn công vào căn cứ của nghĩa quân. Lê Lợi lại phải rút quân lên núi Chí Linh. Tại đây, nghĩa quân đã trải qua muôn vàn khó khăn, thiếu lương thực trầm trọng, đói, rét. Lê Lợi phải cho giết cả voi, ngựa (kể cả con ngựa của ông) để nuôi quân.

- Mùa hè năm 1423, Lê Lợi đề nghị tạm hoà và được quân Minh chấp thuận. Tháng 5 - 1423, nghĩa quân trở về căn cứ Lam Sơn.

Bài 2 trang 86 Lịch Sử 7: Em có nhận xét gì về tinh thần chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn trong những năm 1418 – 1423?

Giải đáp:

- Trong những năm 1418 – 1423, đây là thời kì nghĩa quân gặp vô vàn khó khăn về mọi mặt. Lực lượng yếu, lương thực thiếu, vũ khí, quân trang thô sơ… bị bao vây nhiều lần, nhiều người đã hi sinh.

- Nhưng nghĩa quân vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu dũng cảm, chịu đựng gian khổ, không sợ hi sinh. Nghĩa quân luôn tin tưởng vào Lê Lợi và những tướng lĩnh, tin tưởng vào một ngày chiến thắng.

Bài 3 trang 86 Lịch Sử 7: Tại sao lực lượng quân Minh rất mạnh nhưng không tiêu diệt được nghĩa quân mà phải chấp nhận đề nghị tạm hòa của Lê Lợi?

Giải đáp:

Lực lượng quân Minh rất mạnh nhưng không tiêu diệt được nghĩa quân mà phải chấp nhận đề nghị tạm hòa của Lê Lợi là vì:

- Nghĩa quân lúc này tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có tinh thần chiến đấu dũng cảm, lực lượng cũng còn do đó để tiêu diệt được nghĩa quân, quân Minh cũng phải tốn không ít công sức.

- Cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi là cuộc khởi nghĩa lớn, quân Minh chấp nhận giảng hòa để làm nhụt ý chí chiến đấu của nghĩa quân cũng như của nhân dân cả nước.

- Chúng còn muốn nhân cơ hội này sẽ mua chuộc Lê Lợi.