Lịch Sử 7 Bài 18: Cuộc kháng chiến của nhà Hồ và phong trào khởi nghĩa chống quân Minh đầu thế kỉ XV - trang 82
Bài 18: Cuộc kháng chiến của nhà Hồ và phong trào khởi nghĩa chống quân Minh đầu thế kỉ XV
Trả lời câu hỏi Lịch Sử 7 Bài 18 trang 82: Có phải quân Minh kéo vào xâm lược nước ta là do nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần không? Vì sao?
Giải đáp:
Quân Minh kéo vào xâm lược nước ta không phải là do nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần mà vì nhà Minh chỉ mượn cớ sang trừng trị nhà Hồ giúp nhà Trần khôi phục ngai vàng, còn mục đích bên trong đó là âm mưu xâm lược Đại Việt.
Trả lời câu hỏi Lịch Sử 7 Bài 18 trang 82: Vì sao cuộc kháng chiến của nhà Hồ bị thất bại nhanh chóng.
Giải đáp:
Cuộc kháng chiến của nhà Hồ bị thất bại nhanh chóng là vì:
- Do nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần nên không được lòng dân.
- Khi lên ngôi, tình hình đất nước chưa ổn định, nhà Hồ đã tiến hành cải cách với nhiều chính sách hà khắc làm mất lòng dân.
- Khi kháng chiến nhà Hồ không biết tận dụng lực lượng quần chúng nhân dân để chiến đấu.
Trả lời câu hỏi Lịch Sử 7 Bài 18 trang 83: Hãy nhận xét về chính sách cai trị của nhà Minh đối với nhân dân ta?
Giải đáp:
Nhà Minh đã tiến hành thiết lập chính quyền thống trị trên khắp đất nước ta với những chính sách vô cùng thâm độc và tàn bạo:
- Chúng thi hành chính sách đồng hóa và bóc lột nhân dân ta một cách tàn bạo.
- Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế nặng nề, bắt phụ nữ, trẻ em về Trung Quốc làm nô tì.
- Cưỡng bức dân ta phải bỏ phong tục tập quán của mình.
⇒ Đời sống của nhân dân vô cùng cực khổ.
Trả lời câu hỏi Lịch Sử 7 Bài 18 trang 83: Hãy tường thuật diễn biến cuộc khởi nghĩa Trần Ngỗi?
Giải đáp:
Cuộc khởi nghĩa Trần Ngỗi (1407 - 1409)
- Tháng 10/1407, Trần Triệu Cơ đưa con vua Trần là Trần Ngỗi lên làm minh chủ, Trần Ngỗi tự xưng là Giản Định Hoàng đế.
- Đầu năm 1408, Trần Ngỗi kéo quân vào Nghệ An, được Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân hưởng ứng.
- Tháng 12/1408, nghĩa quân đánh tan 4 vạn quân Minh ở Bô Cô (Nam Định) từ đó danh thế nghĩa quân vang dậy, nhiều người kéo về theo nghĩa quân.
- Sau chiến thắng Bô Cô, Trần Ngỗi nghe lời gièm pha đã giết hai tướng Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, cuộc khởi nghĩa tan rã dần.
Trả lời câu hỏi Lịch Sử 7 Bài 18 trang 84: Hãy trình bày vắn tắt diễn biến cuộc khởi nghĩa Trần Quý Khoáng?
Giải đáp:
Diễn biến cuộc khởi nghĩa Trần Quý Khoáng (1409 – 1414):
- Năm 1409, Trần Quy Khoáng lên ngôi vua, hiệu là Trùng Quang đế và phát động khởi nghĩa.
- Cuộc khởi nghĩa phát triển từ Thanh Hóa đến Hóa Châu.
- Giữa năm 1411, quân Minh được tăng viện binh, mở cuộc tấn công vào Thanh Hóa, nghĩa quân rút vào Thuận Hóa.
- Tháng 8/1413, quân Minh đánh vào Thuận Hóa, Trần Quý Kháng, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh dị lần lượt bị bắt, cuộc khởi nghĩa thất bại.
Bài 1 trang 84 Lịch Sử 7: Đường lối của nhà Trần trong kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên và của nhà Hồ trong kháng chiến chống quân Minh có gì khác nhau?
Giải đáp:
Điểm khác nhau trong đường lối kháng chiến của nhà Trần chống quân xâm lược Mông – Nguyên và của nhà Hồ trong kháng chiến chống quân Minh là:
- Nhà Trần tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, huy động lực lượng đông đảo của quần chúng nhân dân. Quân và dân một lòng kháng chiến. Thực hiện “Vườn không nhà trống” gây cho địch nhiều khó khăn.
- Ngược lại, nhà Hồ không biết dựa vào sức mạnh của toàn dân, chủ yếu dựa vào quân đội triều đình nên nhanh chóng thất bại là điều tất yếu.
Bài 2 trang 84 Lịch Sử 7: Hãy trình bày nguyên nhân bùng nổ, đặc điểm và nguyên nhân thất bại của các cuộc khởi nghĩa (trước khởi nghĩa Lam Sơn) chống quân Minh.
Giải đáp:
- Nguyên nhân bùng nổ:
+ Chính sách cai trị hà khắc, tàn bạo của nhà Minh làm cho đời sống nhân dân cực khổ, lầm than. Mâu thuẫn xã hội ngày càng trở nên gay gắt.
+ Ý chí quyết tâm đánh giặc giành lại độc lập chủ quyền cho đất nước của người dân Việt.
- Đặc điểm cuộc khởi nghĩa: Phong trào nổ ra sớm, liên tục, ở nhiều nơi trên đất nước thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tuy nhiên lực lượng mỏng, thiếu liên kết nên phong trào nhanh chóng thất bại.
- Nguyên nhân thất bại:
+ Các phong trào khởi nghĩa diễn ra lẻ tẻ, thiếu sự liên kết và chưa tạo được phong trào chung mà mang tính địa phương cục bộ. Vì vậy nên quân Minh dễ dàng đàn áp, dập tắt.
+ Nội bộ lãnh đạo còn mâu thuẫn, chia rẽ.
+ Thiếu một đường lối lãnh đạo đúng đắn soi đường.
Bài trước: Lịch Sử 7 Bài 17: Ôn tập chương II và chương III - trang 81 Bài tiếp: Lịch Sử 7 Bài 19 phần 1: Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn - trang 85