I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Phân biệt và trình bày được 2 khái niệm: Thời tiết và khí hậu.
- Biết nhiệt độ không khí; nêu được các nhân tố ảnh hưởng đến sự thay đổi của nhiệt độ không khí và nguyên nhân làm cho không khí có nhiệt độ.
2. Kĩ năng
- Quan sát, ghi chép một số yếu tố thời tiết đơn giản ở địa phương (nhiệt độ, gió, mưa) trong một ngày (hoặc một vài ngày) qua quan sát thực tế hoặc qua bản tin dự báo thời tiết của tỉnh, khu vực.
- Biết tính nhiệt độ trung bình trong ngày, trong tháng, trong năm của một địa phương dựa vào bảng số liệu.
3. Thái độ
- Học sinh biết được ý nghĩa và vai trò của thời tiết, khí hậu đối với cuộc sống con người
- Giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường trước hiện trạng Trái Đất nóng lên.
4. Định hướng phát triển năng lực
- Năng lực chung: tính toán, giải quyết vấn đề, thu thập và xử lý thông tin, làm việc cá nhân, nhóm,...
- Năng lực riêng: phát hiện, liên hệ thực tế và ghi chép thông tin qua thu thập.
II. Chuẩn bị của giáo viên & học sinh
1. Chuẩn bị của giáo viên
Nhiệt kế, hình ảnh để minh họa và khai thác kiến thức, bảng phụ.
2. Chuẩn bị của học sinh
Chuẩn bị bài theo hướng dẫn, sách giáo khoa, bảng phụ.
III. Tổ chức các hoạt động học tập
A. Hoạt động khởi động (Tình huống xuất phát) (5 phút)
1. Mục tiêu
Học sinh được gợi nhớ, huy động hiểu biết về vị trí hình thành và tính chất của các khối khí, sử dụng kĩ năng đọc tranh ảnh để nhận biết về vị trí, hiểu được tính chất; từ đó tạo hứng thú dẫn dắt vào bài mới.
2. Phương pháp - kĩ thuật
Vấn đáp qua tranh ảnh - Cá nhân.
3. Phương tiện
Tranh vẽ.
4. Các bước hoạt động
Bước 1: Yêu cầu học sinh xác định tên các khối khí tương ứng với những vị trí A, B, C, D theo hình vẽ (mỗi vị trí mang đồng thời 2 tính chất: tính chất về nhiệt độ và độ ẩm).
Bước 2: Học sinh quan sát tranh, liên hệ kiến thức bài cũ.
Bước 3: Học sinh trả lời (Vài học sinh trả lời, các học sinh khác nhận xét, bổ sung).
Bước 4: Chuẩn xác và dẫn dắt vào bài.
B. Hình thành kiến thức mới
Hoạt động 1: Tìm hiểu thời tiết, khí hậu (Thời gian: 10 phút)
1. Mục tiêu: Biết được khái niệm thời tiết, khí hậu và sự khác nhau giữa chúng.
2. Phương pháp: Vấn đáp, trực quan, liên hệ.
3. Hình thức tổ chức: Nhóm.
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Nội dung cần đạt |
---|
Bước 1: * Nhóm chẵn (2,4,6,8): Tìm hiểu về thời tiết - Em hiểu thế nào là thời tiết? Cho ví dụ. - Thời tiết hiện tại ở địa phương em như thế nào? Vì sao hằng ngày người ta phải dự báo thời tiết? * Nhóm lẻ (1,3,5,7): Tìm hiểu về khí hậu Giáo viên cho học sinh đọc đoạn văn nói về khí hậu ở miền Bắc vào mùa đông “Ở miền Bắc nước ta…” (ghi ở bảng phụ) và trả lời các câu hỏi: Gió mùa Đông Bắc thổi ở đâu? (miền Bắc) vào thời gian nào? (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau); Có thường xuyên không? (Có - Năm nào cũng vậy). Từ đó, em hiểu thế nào là khí hậu? Bước 2: Học sinh quan sát, thực hiện Bước 3: Đại diện nhóm trả lời, học sinh cùng nội dung nhận xét, bổ sung trước, sau đó mời nhóm khác nội dung nhận xét. Bước 4: Giáo viên chuẩn xác kiến thức, chốt ý. Dẫn chứng về thời tiết hiện tại nơi đang ở và khí hậu Quảng Nam. | 1. Thời tiết, khí hậu - Thời tiết là sự biểu hiện của các hiện tượng khí tượng ở một địa phương, trong một thời gian ngắn. - Khí hậu là sự lặp đi, lặp lại của tình hình thời tiết ở một địa phương, trong nhiều năm |
Hoạt động 2: Nhiệt độ không khí và cách đo nhiệt độ không khí (8 phút)
1. Mục tiêu: Biết nhiệt độ của không khí, nguyên nhân không khí có nhiệt độ. Biết cách tính nhiệt độ trung bình trong ngày, trong tháng, trong năm của một địa phương
2. Phương pháp: Vấn đáp, quan sát, liên hệ thực tế, vận dụng kiến thức liên môn.
3. Hình thức tổ chức: Nhóm.
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Nội dung cần đạt |
---|
Bước 1: Giao nhiệm vụ cho các nhóm: - Nhóm chẳn: Hiện tại nhiệt độ không khí nơi em đang ở như thế nào? Em hiểu nhiệt độ không khí là gì? Nguyên nhân làm cho không khí có nhiệt độ? - Nhóm lẻ: + Vì sao khi đo nhiệt độ không khí, người ta phải để nhiệt kế trong bóng râm và cách mặt đất 2 m? + Tính nhiệt độ trung bình trong ngày tại Hà Nội dựa vào số liệu (Giáo viên ghi số liệu ở bảng) và rút ra cách tính. Bước 2: Học sinh liên hệ thực tế, thảo luận Bước 3: Gọi đại diện các nhóm trả lời. Học sinh nhóm cùng nội dung nhận xét, bổ sung. Sau đó học sinh khác nội dung nhận xét, bổ sung. Bước 4: Giáo viên chuẩn xác kiến thức - Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường thông qua hình ảnh - Cho học sinh xem những hình ảnh về cách đo nhiệt độ không khí. - Giáo viên nêu cách tính nhiệt độ trung bình trong tháng, trong năm - Giáo viên chuyển ý | 2. Nhiệt độ không khí và cách đo nhiệt độ không khí. - Độ nóng, lạnh của không khí gọi là nhiệt độ không khí - Cách đo: + Để nhiệt kế trong bóng râm và cách mặt đất 2 m. + Đo ít nhất 3 lần trong ngày vào lúc 5 giờ, 13 giờ và 21 giờ. + Cách tính: Nhiệt độ trung bình trong ngày bằng tổng nhiệt độ các lần đo, chia cho số lần đo. |
Hoạt động 3: Các nhân tố ảnh hưởng đến sự thay đổi nhiệt độ của không khí (14 phút)
1. Mục đích: Nêu được các nhân tố ảnh hưởng đến sự thay đổi nhiệt độ không khí
2. Phương pháp: Quan sát, liên hệ, vấn đáp,..
3. Hình thức tổ chức: Thảo luận nhóm
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Nội dung cần đạt |
---|
Bước 1: Giao nhiệm vụ cho các nhóm (Nội dung ghi ở bảng phụ) Nhóm 1-3: Quan sát hình vẽ, nêu nhận xét về nhiệt độ không khí ở vùng gần biển và vùng nằm sâu trong đất liền vào mùa đông, mùa hạ? Nhóm 4-6: - Vì sao về mùa hè ở nước ta, người ta thường đi du lịch ở các khu vực thuộc vùng núi? - Vì sao nhiệt độ không khí giảm dần theo độ cao? - Tính sự chênh lệch về độ cao giữa hai địa điểm (theo hình 48 sách giáo khoa) Nhóm 7-8: - Vì sao ở 2 vùng cực luôn luôn bị đóng băng? - Nhận xét nhiệt độ không khí thay đổi theo vĩ độ? Giải thích? Bước 2: Các nhóm thực hiện Bước 3: Lần lượt đại diện các nhóm trình bày, Học sinh nhóm khác nhận xét, bổ sung Bước 4: Giáo viên chuẩn xác, kết luận. | 3. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự thay đổi nhiệt độ của không khí a) Vị trí gần hay xa biển Nhiệt độ không khí ở những miền nằm gần biển và những miền nằm sâu trong lục địa có sự khác nhau b) Độ cao: Càng lên cao nhiệt độ không khí càng giảm c) Vĩ độ địa lí: Không khí ở vùng vĩ độ thấp nóng hơn không khí ở vùng vĩ độ cao |
C. Hoạt động luyện tập
1. Mục tiêu: Nhằm kiểm tra mức độ tiếp thu bài của hoc sinh cũng như khả năng vận dụng, liên hệ thực tế
2. Phương pháp, kỹ thuật: làm việc với số liệu.
3. Hình thức tổ chức: Hoạt động cá nhân.
- Trò chơi “Em tập làm biên tập viên”. Cho thông tin sau:
Khu vực Đà Nẵng đến Bình Thuận
(Thứ bảy, ngày 18/2/2019)
+ Nhiệt độ 19- 28oC
+ Sáng sớm và đêm có sương mù; trưa, chiều trời nắng nhẹ
+ Gió Đông Bắc cấp 2, cấp 3.
Em hãy biên tập thành bản tin dự báo thời tiết và trình bày trước lớp
Tại sao vào mùa hè ở nước ta nhiều người thường đi nghỉ mát ở các khu du lịch thuộc vùng núi? Hãy kể tên các khu nghỉ mát nổi tiếng ở vùng núi nước ta?
E. HOẠT ĐỘNG TÌM TÒI, MỞ RỘNG (1 phút)
Vì sao không khí trên mặt đất không nóng nhất vào lúc 12 giờ trưa (lúc bức xạ mặt trời mạnh nhất) mà lại nóng nhất vào lúc 13 giờ?
- Học bài, chuẩn bị bài mới: Khí áp và gió trên Trái Đất.
Bài trước: Giáo án Địa Lí 6 Bài 17: Lớp vỏ khí
Bài tiếp: Giáo án Địa Lí 6 Bài 19: Khí áp và gió trên Trái Đất