Trang chủ > Lớp 11 > Giải BT Địa Lí 11 (ngắn nhất) > Địa Lí 11 Bài 4: Thực hành: Tìm hiểu những cơ hội và thách thức của toàn cầu hóa đối với các nước đang phát triển.

Địa Lí 11 Bài 4: Thực hành: Tìm hiểu những cơ hội và thách thức của toàn cầu hóa đối với các nước đang phát triển.

I. Cơ hội và thách thức

1. Tự do hoá thương mại

- Cơ hội: hàng hóa tự do lưu thông -> thúc đẩy sản xuất phát triển.

- Thách thức:

+ Các nước đang phát triển trở thành thị trường tiêu thụ cho các cường quốc kinh tế.

+ Nạn buôn lậu.

2. Cách mạng khoa học công nghệ

- Cơ hội:

+ Tiếp cận nền khoa học công nghệ của thế giới.

+ Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức.

- Thách thức: Nguy cơ tụt hậu về trình độ phát triển kinh tế

3. Sự áp đặt lối sống văn hoá của các siêu cường

- Cơ hội: Tiếp thu các văn hoá tinh hoa của nhân loại.

- Thách thức: Giá trị đạo đức bị biến đổi theo chiều hướng xấu, đánh mất bản sắc dân tộc.

4. Chuyển giao công nghệ vì lợi nhuận

- Cơ hội: Tiếp nhận đầu tư công nghệ hiện đại hoá cơ sở vật chất kĩ thuật.

- Thách thức: Trở thành bãi rác thải công nghệ lạc hậu cho các nước phát triển

5. Toàn cầu hoá trong công nghệ

- Cơ hội: tạo điều kiện đi tắt đón đầu thành tựu KHCN để phát triển.

- Thách thức: Gia tăng nhanh chóng nợ nước ngoài và nguy cơ tụt hậu.

6. Chuyển giao mọi thành tựu của nhân loại

- Cơ hội: Thúc đẩy nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh. Hoà nhập nhanh chóng vào nền kinh tế thế giới

- Thách thức: Sự cạnh tranh trở nên quyết liệt

7. Sự đa phương hoá và đa dạng hoá quan hệ quốc tế

- Cơ hội: Tận dụng tiềm năng thế mạnh của toàn cầu để phát triển kinh tế đất nước.

- Thách thức: Chảy máu chất xám, nguy cơ cạn kiệt tài nguyên.

II. Viết báo cáo

"Cơ hội và thách thức của toàn cầu hóa đối với các nước đang phát triển"

Toàn cầu hóa là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thế giới, làm cho các nền kinh tế ngày càng phụ thuộc lẫn nhau và thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế thế giới. Đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, toàn cầu hóa cũng mang lại nhiều cơ hội và thách thức.

Về cơ hội, trước hết toàn cầu hóa thúc đẩy tự do hóa thương mại và sự phát triển sản xuất. Việt Nam gia nhập ASEAN và WTO đã mở ra nhiều thị trường mới và đẩy mạnh ngoại thương phát triển.

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ giúp các nước đang phát triển nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, hoàn thành công nghiệp hóa. Là cơ hội để các nước nhanh chóng đón đầu công nghệ hiện đại, chuyển giao thành tựu mới về khoa học công nghệ, kinh nghiệm tổ chức và quản lí, tận dụng các tiềm năng của toàn cầu để phát triển KTXH đất nước. Các quốc gia đang phát triển như Hàn Quốc, Sin-ga-po…đã trở thành nước công nghiệp mới (NICs) nhờ sớm tận dụng cơ hội của xu thế toàn cầu hóa.

Bên cạnh mặt kinh tế, toàn cầu hóa còn là cơ hội để các quôc gia quảng bá văn hóa đất nước và tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa văn hóa nhân loại; là sự hợp tác liên kết để bảo vệ môi trường chung. Dự án hợp tác “Tiểu vùng sông Mê Công” là sự hơp tác về mọi mặt giữa Việt Nam va các nước trên tất cả các mặt từ kinh tế đến văn hóa xã hội và bảo vệ môi trường. Chương trình giao lưu văn hóa Việt - Hàn, Lễ hội Hoa anh đào… được tổ chức đều đặn hằng năm.

Toàn cầu hóa cũng đem lại nhiều thách thức không thể tránh khỏi. Đó là sự cạnh tranh quyết liệt của các nước khi gia nhập vào thị trường chung thế giới, là nguy cơ tụt hậu và rủi ro cao trong quá trình phát triển. Sự mở rộng đầu tư và tiếp nhận thành tựu khoa học công nghệ cũng gia tăng các nguồn nợ nước nước ngoài, ô nhiễm môi trường, chảy máu chất xám, cạn kiệt tài nguyên. Theo thứ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư, thống kê cho thấy ở Việt Nam năm 2013 có trên 80% doanh nghiệp HDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 5 -6% sử dụng công nghệ cao, 14% ở mức thấp và lạc hậu.

Về văn hóa, các giá trị đạo đức dễ bị suy thoái, du nhập nhiều lối sống xa hoa, thái quá của phương Tây ở một bộ phận giới trẻ hiện nay.