Tập làm văn: Nói về tri thức (trang 30 sgk Tiếng Việt 3)
Câu 1 (trang 30 sgk Tiếng Việt 3): Quan sát các bức tranh và cho biết những người trí thức đang làm gì?
Giải đáp:
Tranh 1: Người trí thức là một bác sĩ. Ông đang ngồi bên cạnh giường bệnh của một bệnh nhân. Bệnh nhân của ông là một cậu bé. Bác sĩ đang cầm nhiệt kế để xem nhiệt độ trong người của cậu bé, sau đó sẽ cho cậu bé uống thuốc.
Tranh 2: Ba người trí thức ở đây là ba kĩ sư cầu đường. Họ đang bàn bạc với nhau xem nên xây dựng cây cầu mới như thế nào để vững chắc nhất, đẹp nhất và đỡ tốn kém nhất.
Tranh 3: Người trí thức ở đây là một cô giáo dạy tiểu học. Trước mặt cô là các em học sinh đang chăm chú nghe cô nói. Cô giáo đứng trên bảng, viết lên đó hai chữ Tập đọc để bắt đầu cho một bài học mới.
Tranh 4: Những người trí thức ở đây là các nhà khoa học. Phòng thí nghiệm của họ có rất nhiều dụng cụ để làm các thí nghiệm về vật lí, về hoá học, về sinh vật học... Các nhà khoa học đang tiến hành các thí nghiệm để tìm ra những kết quả mong muốn phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Câu 2 (trang 30): Nghe và kể lại câu chuyện Nâng niu từng hạt giống
Giải đáp:
Lương Định Của là một nhà khoa học đa tài, ông đã lai tạo được nhiều giống lúa mới cho nước ta.
Một lần, người bạn của ông ở nước ngoài gửi về Viện nghiên cứu của ông mười hạt giống. Giữa lúc trời rét đậm mà phòng thí nghiệm lại không đủ tiện nghi, sợ những hạt giống sẽ chết vì rét, ông đem mười hạt giống chia làm hai phần, mỗi phần năm hạt. Ông gieo trong phòng thí nghiệm năm hạt, còn năm hạt còn lại ông ngâm vào nước ấm, gói vào khăn. Mỗi tối, ông đem ủ trong người, trùm chăn ngủ để hơi ấm làm cho thóc nảy mầm.
Kết quả như ông dự đoán, năm hạt giống gieo trong phòng thí nghiệm đã nảy mầm rồi chết vì rét. Chỉ có năm hạt thóc của ông Lương Định Của ủ ấm trong người là giữ được mầm xanh, chúng sinh sôi nảy nở rồi trở thành triệu hạt thóc ngoài cánh đồng.
Bài trước: Chính tả (Nhớ - viết): Bàn tay cô giáo (trang 29 sgk Tiếng Việt 3) Bài tiếp: Tập đọc: Nhà bác học và bà cụ (trang 32 sgk Tiếng Việt 3)