Trang chủ > Lớp 11 > Giải BT GDCD 11 (ngắn nhất) > GDCD 11 Bài 2: Hàng hóa - tiền tệ - thị trường - Giải BT GDCD 11 (ngắn nhất)

GDCD 11 Bài 2: Hàng hóa - tiền tệ - thị trường - Giải BT GDCD 11 (ngắn nhất)

Bài 1 trang 26 GDCD 11: Hãy cho biết những sản phẩm tiêu dùng nào trong gia đình em là hàng hóa, hoặc không phải là hàng hóa? Vì sao?

Hướng dẫn giải:

- Những sản phẩm tiêu dùng trong gia đình là hàng hóa như: tủ lạnh, ti vi, máy giặt, điện thoại, máy tính, loa đài, quạt điện… vì những sản phẩm này có thể được mang ra để trao đổi, mua bán.

- Những sản phẩm tiêu dùng trong gia đình không phải là hàng hóa là đồ ăn uống vì những sản phẩm này không được mang ra để trao đổi, mua bán (trừ trường hợp gia đình làm quán ăn).

Bài 2 trang 26 GDCD 11: Hãy nêu một số ví dụ thể hiện giá trị sử dụng của hàng hóa được phát hiện dần cùng với sự phát triển của khoa học – kĩ thuật.

Hướng dẫn giải:

- Quả dứa, quả dừa, quả sầu riêng... từ xa xưa vẫn dùng để ăn, uống nước. Ngày nay, dưới sự tác động của khoa học kĩ thuật, ta chế biến được các món hơn như: nước ép, sinh tố, kẹo, mứt...

- Nước ta có khoảng 2360 con sông lớn nhỏ, trước đây sông ngòi chỉ có giá trị thủy lợi, thủy sản. ngày nay, sông ngòi còn mang giá trị thủy năng rất lớn (tạo ra năng lượng)

- Trước đây, than đá, dầu mỏ chúng ta khai thác thô là chủ yếu. Hiện nay than đá làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp luyện lim, khai khoáng, nhiệt điện; dầu mỏ đã có nhà máy lọc hóa dầu (Dung Quất), là khí đốt phục vụ công nghiệp nhiệt điện và các ngành khác.

Bài 3 trang 26 GDCD 11: Vì sao giá trị hàng hóa không do thời gian lao động cá biệt quyết định, mà do thời gian lao động xã hội cần thiết quyết định?

Hướng dẫn giải:

Nguyên nhân:

- Thứ nhất, hàng hóa là sản phẩm của lao động, đo bằng thời gian lao động cá biệt (tạo ra giá trị cá biệt của hàng hóa).

- Mỗi loại hàng hóa lại có thời gian lao động cá biệt khác nhau, do đó không thể định giá lượng giá trị hàng hóa bằng bằng thời gian lao động cá biệt.

- Chỉ có thời gian lao động xã hội cần thiết mới tạo ra giá trị xã hội (chi phí sản xuất, lợi nhuận) của hàng hóa, mới quyết định lượng giá trị của hàng hóa ấy.

Bài 4 trang 26 GDCD 11: Trình bày nguồn gốc ra đời và bản chất của tiền tệ.

Hướng dẫn giải:

- Nguồn gốc: Tiền tệ xuất hiện là kết quả của quá trình phát triển lâu dài của sản xuất, trao đổi hàng hóa. Có bốn hình thái giá trị phát triển từ thấp đến cao dẫn đến sự ra đời của tiền tệ:

+ Hình thái giá trị giản đơn hay ngẫu nhiên của giá trị: Xuất hiện khi xã hội Công xã nguyên thủy tan rã, sự trao đổi mang tính ngẫu nhiên, chưa cố định.

+ Hình thái giá trị đầy đủ hay mở rộng: Khi sản xuất hàng hóa phát triển hơn, số lượng hàng hóa được đem ra trao đổi nhiều hơn, một hàng hóa có thể trao đổi được với nhiều hàng hóa khác.

+ Hình thái giá trị chung: Khi sản xuất hàng hóa phát triển và trao đổi trở nên thường xuyên hơn, thì yêu cầu có một hàng hóa tách ra làm vật ngang giá chung.

+ Hình thái tiền tệ: Khi sản xuất và trao đổi hàng hóa phát triển hơn đòi hỏi phải có vật ngang giá chung thống nhất. Ban đầu, vật ngang giá chung cố định là vàng và bạc, hình thái tiền tệ của giá trị xuất hiện. Nhưng vàng có ưu thế hơn bạc nên cuối cùng hình thái tiền tệ được cố định ở vàng.

- Bản chất của tiền tệ: Tiền tệ là một hàng hóa đặc biệt vì tiền tệ là hàng hóa có giá trị và giá trị sử dụng.

Bài 5 trang 26 GDCD 11: Phân tích các chức năng của tiền tệ. Em đã vận dụng được những chức năng nào của tiền tệ trong đời sống?

Hướng dẫn giải:

Những chức năng của tiền tệ:

- Thước đo giá trị: Tiền được dùng để đo lường và biểu hiện giá trị của hàng hóa. Giá trị của hàng hóa được biểu hiện bằng một lượng tiền nhất định gọi là giá cả hàng hóa.

- Phương tiện lưu thông: Tiền làm môi giới trong quá trình trao đổi hàng hóa theo công thức: H – T – H. Trong đó H –T là quá trình bán, T – H là quá trình mua.

- Phương tiện cất trữ: được thể hiện khi tiền rút khỏi lưu thông và được cất trữ lại để khi cần thì đem ra mua hàng. Để làm được chức năng phương tiện cất trữ thì tiền phải đủ giá trị, tức là tiền đúc bằng vàng hoặc những của cải bằng vàng.

- Phương tiện thanh toán: Tiền tệ được dùng để chi trả sau khi giao dịch, mua bán như: trả tiền mua chịu hàng hóa, trả nợ, nộp thuế,...

- Chức năng tiền tệ thế giới: Tiền làm nhiệm vụ di chuyển của cải từ nước này sang nước khác, nên đó phải là tiền vàng hoặc tiền được công nhận là phương tiện thanh toán quốc tế. Việc trao đổi tiền của nước này theo tiền của nước khác được tiến hành theo tỉ giá hối đoái. Tỉ giá hối đoái là giá cả của đồng tiền nước này được tính bằng đồng tiền nước khác.

* Em đã vận dụng được những chức năng của tiền tệ như:

- Dùng tiền đi mua hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bản thân và gia đình hàng ngày.

- Khi có tiền nhưng chưa dùng đến, em mang cất đi bằng cách bỏ lợn tiết kiệm.

Bài 6 trang 27 GDCD 11: Trình bày nội dung của quy luật lưu thông tiền tệ. Lạm phát có ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống?

Hướng dẫn giải:

Nội dung của quy luật lưu thông tiền tệ:

- Quy luật lưu thông tiền tệ là xác định số lượng tiền cần thiết cho lưu thông hàng hóa ở mỗi thời kì nhất định. Nó được tính theo công thức:

M = P x Q/V

Trong đó:

+ M: số lượng tiền cần thiết cho lưu thông

+ P: Mức giá cả

+ Q: Số lượng hàng hóa đem ra lưu thông

+ V: Số vòng luân chuyển trung bình của một đơn vị tiền tệ.

Khi lạm phát xảy ra thì giá cả của hàng hóa tăng, sức mua của tiền tệ giảm, đời sống của nhân dân lao động gặp khó khăn, các công cụ quản lý kinh tế của Nhà nước kém hiệu quả.

Bài 7 trang 27 GDCD 11: Vì sao nói giá cả là “mệnh lệnh” của thị trường đối với mọi người sản xuất và lưu thông hàng hóa?

Hướng dẫn giải:

Vì:

- Sự biến động của cung – cầu, giá cả trên thị trường đã điều tiết các yếu tố sản xuất từ ngành này sang ngành khác, luân chuyển hàng hóa từ nơi này sang nơi khác.

- Khi giá cả một hàng hóa nào đó tăng lên sẽ kích thích sản xuất hàng hóa đó tăng, nhưng lại làm cho nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa đó bị giảm. Và ngược lại.

Bài 8 trang 27 GDCD 11: Thị trường là gì? Em hãy nêu một số ví dụ về sự phát triển của sản xuất hàng hóa và thị trường ở địa phương mình.

Hướng dẫn giải:

Thị trường là lĩnh vực trao đổi, mua bán mà ở đó các chủ thể kinh tế tác động qua lại lẫn nhau để xác định giá cả và số lượng hàng hóa, dịch vụ. Ví dụ về sự phát triển của sản xuất hàng hóa và thị trường ở địa phương:

- Sản xuất hàng hóa ở địa phương đa dạng, phong phú: Thị trường nhà đất, thị trường giáo dục, thị trường ăn uống, mua bán thực phẩm sạch.

Bài 9 trang 27 GDCD 11: Hãy nêu một số ví dụ về sự vận dụng các chức năng của thị trường đối với người sản xuất và người tiêu dùng.

Hướng dẫn giải:

- Khi một người mang hàng hóa ra bán trên thị trường, hàng hóa nào phù hợp với nhu cầu của thị trường, chất lượng tốt khiến người mua hài lòng thì bán được, người bán có lãi, tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

- Chức năng thông tin giúp người bán hàng đưa ra quyết định phù hợp, kịp thời để thu lợi nhuận.

- Người mua cũng căn cứ vào chất lượng, nhu cầu của bản thân và những thông tin trên thị trường để mua có lợi nhất.

Bài 10 trang 27 GDCD 11: Theo em, mỗi công dân cần phải làm gì đối với sự phát triển kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay?

Hướng dẫn giải:

Để góp phần giúp kinh tế đất nước phát triển mỗi công dân cần:

+ Thực hiện phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tránh tâm lí sính ngoại.

+ Khi tham gia vào thị trường cần mua bán lành mạnh, không buôn bán gian lận để tạo một thị trường đảm bảo, có uy tín, được người mua tin tưởng.

+ Tránh để xảy ra lạm phát

+ Học tập tốt, rèn luyện bản thân để có thể trở thành một người lao động tốt, có kiến thức tiêu dùng và trở thành người tiêu dùng thông minh.