Bài 47: Điều khiển sinh sản ở động vật và sinh đẻ có kế hoạch ở người - Giải BT Sinh học 11
Bài 47: Điều khiển sinh sản ở động vật và sinh đẻ có kế hoạch ở người
Trả lời câu hỏi Sinh 11 Bài 47 trang 182: Hãy cho biết một số kinh nghiệm làm tăng sinh sản trong chăn nuôi.
Trả lời:Một số kinh nghiệm làm tăng sinh sản trong chăn nuôi như:
- Thụ tinh nhân tạo cho bò, lợn.
- Thay đổi thời gian chiếu sáng đối với gà nuôi làm cho gà có thể đẻ 2 trứng/ngày.
Trả lời câu hỏi Sinh 11 Bài 47 trang 183:
- Những biện pháp nào làm tăng sinh sản ở động vật.
- Nêu một số biện pháp điều khiển giới tính ở động vật.
- Điều khiển giới tính của đàn con có ý nghĩa như thế nào trong chăn nuôi?
- Tại sao phải cấm xác định giới tính của thai nhi người?
Trả lời:
- Những biện pháp nào làm tăng sinh sản ở động vật:
+ Sử dụng hoocmôn hoặc chất kích thích tổng hợp.
+ Thay đổi các yếu tố môi trường.
+ Nuôi cấy phôi.
+ Thụ tinh nhân tạo.
- Một số biện pháp điều khiển giới tính ở động vật:
+ Sử dụng các biện pháp kĩ thuật như: lọc, li tâm, điện di để tách tinh trùng thành 2 loại, một loại có nhiễm sắc thể giới tính X và loại kia có nhiễm sắc thể giới tính Y. Tùy theo nhu cầu về đực hay cái để chọn ra một loại tinh trùng cho thụ tinh với trứng.
+ Nuôi cá rô phi bột (cá nhỏ) bằng 17 – mêtyltestostêron (một loại hoocmôn testostêrôn tổng hợp) kèm theo vitamin C sẽ tạo ra 90% cá rô phi đực.
- Điều khiển giới tính của đàn con có ý nghĩa quan trọng trong chăn nuôi giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất:
+ Muốn tăng nhanh đàn gia súc, gia cầm cần tăng nhiều con cái, vì một đực có thể thụ tinh cho nhiều con cái.
+ Muốn có nhiều trứng cần tạo ra nhiều con cái.
+ Muốn nhiều thịt cần tạo ra nhiều con đực vì con đực thường lớn nhanh hơn và to hơn con cái.
- Phải cấm xác định giới tính của thai nhi người để tránh mất cân bằng giới tính, tránh ảnh hưởng xấu đến đời sống, xã hội.
Trả lời câu hỏi Sinh 11 Bài 47 trang 183: Vì sao phải sinh đẻ có kế hoạch?
Trả lời:
Sinh đẻ có kế hoạch là điều chỉnh về số con, về thời điểm sinh con và khoảng cách sinh con sao cho phù hợp với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Vì thế cần phải sinh đẻ có kế hoạch.
Trả lời câu hỏi Sinh 11 Bài 47 trang 184: Hãy điền tên các biện pháp tránh thai vào cột thứ hai trong bảng 47 và giải thích tại sao sử dụng các biện pháp đó lại giúp phụ nữ tránh thai (cơ chế tác dụng của biện pháp tránh thai).
Trả lời:Tên biện pháp tránh thai | Cơ chế tác dụng |
---|---|
1. Tính ngày rụng trứng | Tránh giao hợp vào ngày trứng rụng (vào khoảng giữa chu kì kinh nguyệt) để tinh trùng không gặp được trứng. |
2. Sử dụng bao su | Ngăn không cho trứng gặp tinh trùng và tránh lây nhiễm các bệnh tình dục khi giao hợp. |
3. Sử dụng thuốc viên tránh thai | Ngăn không cho trứng chín và rụng, đồng thời làm cho chất nhầy ở cổ tử cung đặc lại ngăn không cho tinh trùng vào tử cung và ống dẫn trứng để gặp trứng. Thuốc tránh thai bản chất là ơstrôgen, nên nó theo cơ chế điều hòa ngược, ơstrôgen ức chế bài tiết FSH và LH do đó không đạt được tỉ lệ và nồng độ thích hợp cho rụng trứng, các nang bào kém phát triển. |
4. Sử dụng vòng tránh thai | Kích thích lên niêm mạc tử cung gây phản ứng chống lại sự làm tổ của tử cung. Hợp tử không làm tổ được sẽ rơi ra ngoài |
5. Căt và thắt ống dẫn trứng | Không cho trứng gặp tinh trùng trong ống dẫn trứng |
6. Cắt và thắt ống dẫn tinh | Ngăn không cho tinh trùng đi ra để gặp trứng. |
Bài 1 (trang 185 SGK Sinh 11): Nuôi cấy phôi giải quyết được vấn đế gì trong sinh đẻ ở người?
Trả lời:Nuôi cấy phôi giải quyết được vấn đề vô sinh trong sinh đẻ ở người. Từ đó giúp các cặp vợ chồng vô sinh có thể sinh con.
Bài 2 (trang 185 SGK Sinh 11): Vì sao nữ vị thành niên không nên sử dụng biện pháp đình sản mà nên sử dụng các biện pháp tránh thai khác?
Trả lời:Nữ vị thành niên (từ 10 - 19 tuổi) không nên sử dụng biện pháp đình sản mà nên lựa chọn những biện pháp tránh thai khác vì: đình sản là cắt ống dẫn trứng (ở nữ) làm cho trứng không thể di chuyển vào tử cung để thụ tinh. Sau khi đình sản, nếu muốn có con thì phải nối lại ống dẫn trứng, việc này tốn kinh phí rất lớn và khả năng phục hồi rất thấp. Sau khi đình sản thì gần như chắc chắn người nữ không thể có con được nữa.
Bài 3 (trang 185 SGK Sinh 11): Vì sao phá thai không được xem là biện pháp sinh đẻ có kế hoạch mà chỉ là biện pháp tránh đẻ bất đắc dĩ?
Trả lời:Phá thai không được xem là biện pháp sinh đẻ có kế hoạch mà chỉ là biện pháp tránh đẻ bất đắc dĩ vì: Việc phá thai chỉ giúp người nữ không sinh con ngoài ý muốn nhưng có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người phụ nữ như mất máu, viêm nhiễm đường sinh dục, vô sinh,... thậm chí tử vong.
Bài trước: Bài 46: Cơ chế điều hòa sinh sản - Giải BT Sinh học 11 Bài tiếp: Bài 48: Ôn tập chương 2, 3 và 4 - Giải BT Sinh học 11