Hướng dẫn ôn tập tác phẩm: Đoàn thuyền đánh cá
Bài này sẽ khái quát phần Tác giả, một số nội dung chính về Tác phẩm và hệ thống các câu hỏi về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận) có trong đề thi vào lớp 10 môn Văn.
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
Xem lại kiến thức SGK Ngữ văn 9
II. Hướng dẫn trả lời một số câu hỏi chính
Câu 1: Em có nhận xét gì về âm hưởng, giọng điệu của bài thơ? Các yếu tố: thể thơ, vần, nhịp đã góp phần tại nên âm hưởng của bài thơ như thế nào?
Giải đáp:
Âm hưởng của bài thơ tươi vui, khỏe khoắn, khẩn trương khiến cho khung cảnh lao động trở nên nhộn nhịp, náo nức tới kì lạ. Cách gieo vần, nhịp kết hợp với thể thơ bảy chữ tạo tiết tấu, âm hưởng rộn rã.
Lời thơ dõng dạc giọng điệu như khúc hát mê say hào hứng, cách gieo vần biến hóa linh hoạt. Vần trắc xen lẫn vẫn bằng, vần liền xen lẫn vần cách. Vần trắc tạo nên sức dội, sức mạnh. Tạo nên sự bay bổng làm nên âm hưởng sôi nổi, phơi phới, giàu sức sống.
Câu 2: Hãy trình bày hoàn cảnh sáng tác của bài thơ. Mạch cảm xúc của bài thơ được triển khai theo trình tự nào? Nêu hiệu quả nghệ thuật của nó?
Giải đáp:
- Hoàn cảnh ra đời của bài thơ là vào giữa năm 1958, Huy Cận có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi thực tế này, hồn thơ của Huy Cận mới thực sự nảy nở và dồi dào trở lại khi có nguồn cảm hứng về thiên nhiên đất nước, lao động cũng như cuộc sống mới.
- Mạch cảm xúc của bài thơ được trình bày theo trình tự thời gian, không gian chuyến ra khơi của đoàn thuyền cho tới khi đoàn thuyền trở về, tất cả đều mang âm hưởng của niềm vui, niềm hạnh phúc trong lao động, đổi mới.
Câu 3: Hai câu đầu bài thơ sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Biện pháp nghệ thuật đó có tác dụng như thế nào?
Giải đáp:
Hai câu thơ:
"Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa"
- Trong hai câu thơ trên tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa đặc sắc.
- Huy Cận miêu tả chân thực sự chuyển động của thời khắc giữa ngày và đêm khiến cảnh biển đêm trở nên đẹp và kì vĩ, tráng lệ như trong thần thoại.
+ Gợi lên sự gần gũi của ngôi nhà thiên nhiên đang chuyển mình đi vào nghỉ ngơi, còn con người bắt đầu hoạt động lao động của mình, tạo sự bình yên với những người ngư dân ra khơi.
Câu 4: Bằng một đoạn thơ khoảng 12 câu theo phương thức Diễn dịch, em hãy trình bày cảm nhận của mình về khổ thơ vừa chép. Đoạn văn có sử dụng câu cảm thán và lời dẫn trực tiếp.
Giải đáp:
Cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá.
- Khổ thơ 1: Cảnh ra khơi trong buổi chiều hoàng hôn huy hoàng, tráng lệ và giàu sức sống.
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
+ Điểm nhìn của nhà thơ: giữa biển khơi bao la.
+ Nhà thơ có sự cảm nhận độc đáo về hình ảnh mặt trời qua biện pháp nhân hóa, so sánh đặc sắc khiến cảnh biển vào đêm đẹp, kì vĩ, tráng lệ như thần thoại, nhưng gần gũi, thân quen.
+ Câu thơ khiến ta hình dung cả đoàn thuyền chứ không phải con thuyền đơn độc ra khơi.
+ Từ “lại” diễn tả công việc lao động thường ngày, nhịp lao động trở nên tuần hoàn, liên tục ngày ngày này qua ngày khác.
+ “Câu hát căng buồm với gió khơi”: nói lên khí thế lao động phơi phới, mạnh mẽ của đoàn thuyền cũng như sức mạnh lao động làm chủ cuộc đời và biển khơi.
- Phân tích khổ thơ thứ 2:
+ Gợi sự giàu có của biển cả: cá bạc, đoàn thoi.
+ Những hình ảnh so sánh đẹp đẽ, nên thơ.
+ Hình ảnh nhân hóa “dệt” thể hiện sự giàu có.
+ Từ “ta” đầy hào hứng, tự hào không còn cái “tôi” nhỏ bé đơn độc, u buồn nữa.
→ Sự giàu có trù phú của biển cả hứa hẹn ngày ra khơi nhiều thành quả.
Hình ảnh nói quá “Thuyền ta lái gió với buồm trăng/ Lướt giữa mây cao với biển bằng”.
+ Con thuyền lúc này có gió là người cầm lái, trăng là cánh buồm → gợi sự nhịp nhàng, hòa quyện, uyển chuyển.
+ Gợi sự khéo léo như nghệ sĩ của người dân chài.
→ Tầm vóc của con người và đoàn thuyền được nâng lên, hòa nhập với tự nhiên và vũ trụ rộng lớn, kì vĩ.
Con người không còn cảm giác nhỏ bé, lẻ loi, yếu ớt nữa mà trở nên hào hứng, vui tươi trong lao động làm nên sự đổi mới của cuộc đời.
Câu 5: Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá có sử dụng nhiều từ “hát” cả bài thơ cũng giống như một khúc tráng ca. Hãy chép thuộc những câu thơ có từ “hát” đó và nêu ý nghĩa của từ đó.
Giải đáp:
Trong bài "Đoàn thuyền đánh cá"- nhà thơ Huy Cận có sử dụng khá nhiều từ “hát”, làm cho cả bài thơ giống như một khúc tráng ca. Những câu thơ có từ “hát” trong bài đó là:
- Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
- Ta hát bài ca gọi cá vào → gợi sự thân thiết, niềm vui, phấn chấn, yêu lao động.
- Câu hát căng buồm với gió khơi.
+ Những câu hát đã theo suốt hành trình của người dân chài, câu hát mở đầu lúc ra khơi và khi trở về đoàn thuyền vẫn với khí thế tươi vui đó, khúc ca trở về với thành quả là khúc khải hoàn ca.
+ Âm điệu bài thơ như khúc hát say mê hào hứng với chữ “hát” lặp đi lặp lại 4 lần khiến bài thơ tựa như khúc ca lao động khỏe khoắn, vui nhộn, hào hùng, tươi vui của những người ngư dân.
Câu 6: Từ “Đông” trong câu thơ “Cá thu biển Đông như đoàn thoi” có ý nghĩa là gì? Hãy tìm hai từ đồng âm khác nghĩa với từ đó.
Giải đáp:
Từ Đông trong câu thơ “Cá thu biển Đông như đoàn thoi” là danh từ riêng chỉ địa điểm.
Từ “Đông” còn có nghĩa là:
+ (tính từ) chỉ mật độ dày của sự vật, hiện tượng.
+ (danh từ) chỉ hướng: hướng đông.
Câu 7: Phân tích biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ “Cá thu biển Đông như đoàn thoi”. Tìm trong bài Đoàn thuyền đánh cá hai câu thơ có sử dụng phép tu từ đó.
Giải đáp:
- Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: "Cá thu biển Đông như đoàn thoi" là biện pháp nghệ thuật so sánh.
→ Diễn tả sự giàu có, đông đúc, trù phú của cá (thu) ngoài biển Đông.
Những câu thơ cũng sử dụng biện pháp so sánh như thế:
+ Mặt trời xuống biển như hòn lửa
+ Biển cho ta cá như lòng mẹ
Câu 8: Viết đoạn văn diễn dịch khoảng 12 câu nêu cảm nghĩ của em về vẻ đẹp của người lao động trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá. Đoạn văn có sử dụng lời dẫn gián tiếp và phép lặp.
Giải đáp:
Hình ảnh con người lao động trong bài Đoàn thuyền đánh cá:
Bài thơ đã khắc họa được vẻ đẹp và sức mạnh của con người lao động trước thiên nhiên kì vĩ.
Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi tấp nập.
+ Hình ảnh con người trước thiên nhiên rộng lớn, kì vĩ.
Tầm vóc của con người được nâng lên: công việc đánh cá được dàn đan như thế trận hào hùng, gợi ra tâm hồn phóng khoáng, dũng cảm chinh phục biển cả của người nghệ sĩ.
+ Tầm vóc của con người được nâng lên hòa nhập với kích thước của thiên nhiên, vũ trụ.
Con người không còn nhỏ bé lẻ loi khi đối diện với cuộc đời.
+ Con người ra khơi trong niềm vui câu hát.
Sự lãng mạn bay bổng, tinh thần lạc quan thấm vào từng câu hát khi những người lao động hăng say hát bài ca của niềm tin hi vọng, nhịp nhàng cùng thiên nhiên.
+ Con người với ước mơ trong công việc.
Với khí thế phơi phới, của đoàn thuyền và niềm vui, sức mạnh của người lao động trên biển làm chủ biển khơi, chinh phục biển khơi.
+ Cảm nhận được vẻ đẹp của biển.
Con người thấy được sự giàu có trù phú của biển cả, hiểu được biển là mẹ thiên nhiên mang lại nguồn thức ăn, sức sống dồi dào cho cuộc đời.
+ Người lao động vất vả nhưng tìm thấy niềm vui trong lao động và trước thắng lợi.
→ Hình ảnh người lao động được sáng tạo với cảm hứng lãng mạn cho thấy tinh thần, niềm vui của tác giả trong cuộc sống đổi mới.
Câu 9: Hình ảnh con thuyền được nhắc nhiều trong thơ ca. Từ những câu thơ dưới đây:
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng
Đọc đoạn thơ trên em liên tưởng tới những câu thơ nào đã học trong chương trình đã học trong chương trình Ngữ văn THCS cũng miêu tả hình ảnh “con thuyền ra khơi” đầy hứng khởi.
Giải đáp:
Những câu thơ trên gợi cho em thấy hình ảnh con thuyền ra khơi trong bài "Quê hương" của Tế Hanh.
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Hai câu thơ trong bài "Đoàn thuyền đánh cá":
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Nhằm nói tới hình ảnh con thuyền vốn nhỏ bé nay trở nên to lớn, vĩ đại, ngang tầm vũ trụ, kì vĩ.
+ Con thuyền đặc biệt được cầm lái bởi gió, trăng là cánh buồm → gợi sự nhịp nhàng, hòa quyện giữa con thuyền với tự nhiên.
+ Hình ảnh con thuyền được nâng lên, hòa nhập với kích thước lớn lao của thiên nhiên, vũ trụ.
Điều đó khiến cho cảm giác nhỏ bé, cô đơn và lẻ loi của con người hoàn toàn biến mất.
→ Hình ảnh thơ lãng mạn, bay bổng kết hợp với hình ảnh con người phơi phơi, hào hứng với công việc.
Câu 10: Hình ảnh “buồm trăng” là ẩn dụ hay hoán dụ. Viết một đoạn văn khoảng 7 câu theo phương thức diễn dịch để phân tích chất thực và chất lãng mạn của hình ảnh đó.
Giải đáp:
Hình ảnh “buồm trăng” là hình ảnh ẩn dụ cho vẻ đẹp của con thuyền sánh với vũ trụ, thiên nhiên kì vĩ, con người làm chủ thiên nhiên và bầu trời.
+ Hình ảnh ẩn dụ “buồm trăng” được xây dựng dựa trên sự quan sát thực tế thông qua lăng kính lãng mạn của nhà thơ Huy Cận.
+ Từ xa nhìn lại, trên biển lúc con thuyền chìm vào khoảng sáng của vầng trăng, trăng, cánh buồm cong có hình vầng trăng.
+ Vẻ đẹp thiên nhiên làm nhòa đi hình ảnh cánh buồm vất vả, cũ kĩ, đây là công việc nhẹ nhàng, lãng mạn.
Câu 11: Bài thơ của Chế Lan Viên có viết: “Con cá song cầm đuốc dẫn thơ về”. Bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận cũng có một câu thơ giàu hình ảnh tương tự.
Giải đáp:
Câu thơ của Huy Cận giống với câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên đó là:
"Cá song lấp lánh đuốc đen hồng"
- Câu thơ này sử dụng hình ảnh ẩn dụ. Nhà thơ đi từ việc liệt kê tên các loại cá “cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song” khiến cho bức tranh biển cả sinh động, rực rỡ sắc màu.
+ Cá song có thân mình dày và dài trên vảy có chấm tròn màu đen và hồng giống hình ảnh của bó đuốc lấp lánh.
+ Nhà thơ Huy Cận tưởng tượng hình ảnh đàn cá song như đám rước hội tưng bừng, lộng lẫy trên mặt biển.
+ Để rồi sau đó hình ảnh đẹp đẽ cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe là hình ảnh thi vị và đẹp đẽ nhất.
Câu 12: Cho câu chủ đề “Chỉ với bốn câu thơ, Huy Cận đã cho ta thấy một bức tranh kì thú về sự giàu có và đẹp đẽ của biển cả quê hương. ".
Em hãy viết tiếp 10 câu để hoàn chỉnh đoạn văn theo phép lập luận diễn dịch.
Giải đáp:
- Khổ thơ:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
....
Dàn đan thế trận lưới vây giăng”
Khổ thơ miêu tả hình ảnh đoàn thuyền đánh cá lớn lao hòa nhập với kích thước rộng lớn, kì vĩ của thiên nhiên, vũ trụ.
- Tầm vóc của con người và đoàn thuyền được nâng lên, con người vui vẻ, hào hứng trong niềm hăng say lao động.
+ Hình ảnh con thuyền được lý tưởng hóa trở nên kì vĩ ngang tầm với vũ trụ. Con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé nay đã trở nên to lớn hơn trước thiên nhiên.
+ Cảm giác cô đơn nhỏ bé của con người không còn nữa bởi con người với sức mạnh tự thân đã dần làm chủ được đời sống của mình.
+ Con thuyền băng băng vượt trùng khơi để “dò bụng biển” hình ảnh có tính chất lãng mạn hóa thông qua lăng kính của tác giả, con thuyền trở nên phóng khoáng, dũng cảm chinh phục biển cả.
+ Công việc lao động nặng nhọc của người đánh cá đã trở thành bài ca đầy niềm vui, nhịp nhàng của thiên nhiên.
Cho đoạn thơ:
Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi
Câu 13: Trong đoạn thơ trên có những hình ảnh nào được lặp lại so với khổ thơ đầu? Điều đó có ý nghĩa gì?
Giải đáp:
Trong đoạn thơ trên hình ảnh được lặp lại so với khổ thơ đầu hình ảnh “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”.
- Đây là hình ảnh hoành tráng, lãng mạn và đặc biệt.
Đoàn thuyền lớn lao, sánh ngang với hình ảnh mặt trời vĩ đại.
+ Huy Cận lấy một vật nhỏ bé, bình dị để đi ngầm so sánh với hình ảnh vĩ đại của thiên nhiên.
+ Cách nói nhân hóa, nói phóng đại diễn tả nguồn năng lượng, sức sống, sức lao động của vẫn hăng say, mạnh mẽ sau một đêm lao động của người dân chài lưới.
+ Qua đó, nhà thơ muốn làm nổi bật hình ảnh những người lao động, thực chất là những người ngư dân trong công việc lao động hăng say của mình.
→ Những người lao động miệt mài với biển khơi nay trở về trong tư thế sóng ngang với vũ trụ, thậm chí trong cuộc chạy đua với thiên nhiên họ đã chiến thắng, họ làm chủ được thiên nhiên và là chủ của cuộc đời mình.
Câu 14: Nhận xét sự lặp lại và biến đổi về những hình ảnh giữa khổ thơ đầu và khổ thơ cuối.
Giải đáp:
Hình ảnh được lặp lại và những chi tiết có trong có thay đổi trong ai khổ thơ. Việc lặp lại và thay đổi đã tạo nên sự đối ứng đầu cuối, thể hiện trọn vẹn hành trình ra khơi và trở về.
- Sự khác biệt là ở hướng của đoàn thuyền (ra khơi và trở về);
+ Về thời gian - lúc ra khơi đánh bắt các là khi hoàng hôn buông xuống và khi trở về thì bình minh ló rạng;
+ Hình ảnh bao trùm lúc đi là mặt trời lặn và lúc về là lúc mặt trời mọc);
+ Ở khí thế con người: hăng hái khi ra đi, phấn chấn trước thành quả lao động khi trở về.
Câu 15: Viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo phương thức tổng - phân - hợp cảm nhận khổ cuối bài thơ. Trong đoạn văn có sử dụng câu ghép và phép thế.
Giải đáp:
Những câu thơ cuối bài "Đoàn thuyền đánh cá" có cảnh mặt trời “đội biển” trái ngược với hình ảnh mặt trời lặn ở khổ thơ đầu.
- Khổ thơ cuối là cảnh đoàn thuyền thắng lợi trở về trong bình minh, rực rỡ, tráng lệ.
+ Mở đầu khổ thơ là hình ảnh câu hát theo suốt hành trình chinh phục tự nhiên. Nếu mở đầu câu hát tạo động lực thì nay câu hát ấy là khúc khải hoàn ca về chiến thắng, nhấn mạnh niềm vui lao động làm giàu đẹp quê hương.
+ Mở đầu là hình ảnh mặt trời đi vào tĩnh lặng của buổi hoàng hôn thì nay hình ảnh mặt trời mới rực rỡ xuất hiện báo hiệu sự sống sinh sôi nảy nở, sự khởi đầu của niềm vui, niềm hạnh phúc sau chuyến hành trình vất vả, cực nhọc.
+ Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá chạy đua cùng mặt trời làm nổi tư thế của những con người lao động, bởi đoàn thuyền thực chất nói tới người dân chài, đoàn thuyền là hình ảnh hoán dụ chỉ con người.
+ Hai câu thơ cuối, lại là hình ảnh một mặt trời mới, không phải mặt trời tự nhiên mà là hình ảnh mặt trời từ mắt cá lấp lánh trong buổi bình minh, là niềm vui hạnh phúc của những người lao động.
→ Đó là niềm vui chiến thắng, niềm vui của thành quả lao động, niềm vinh quang của người lao động, rất bình dị, nhỏ bé. Nó làm nổi bật tư thế làm chủ vũ trụ của con người lao động.
Bài trước: Hướng dẫn ôn tập tác phẩm: Bài thơ về tiểu đội xe không kính Bài tiếp: Hướng dẫn ôn tập bài: Bếp lửa