Hướng dẫn: Cách làm phần Đọc hiểu văn bản ôn thi vào 10 môn Văn
I. Tổng quan
Phạm vi kiến thức phần đọc hiểu văn bản chủ yếu khai thác, phân tích các văn bản nằm trong chương trình Ngữ văn 9 bao gồm các văn bản văn học và văn bản nhật dụng.
- Văn bản văn học: truyện trung đại, truyện hiện đại Việt Nam sau 1945, truyện nước ngoài, thơ hiện đại Việt Nam, thơ trữ tình nước ngoài, kịch.
- Văn bản nhật dụng với các chủ đề quyền con người, chiến tranh và hòa bình, hội nhập quốc tế, văn hóa truyền thống.
Các văn bản trong SGK Ngữ văn 9 (tập 1 và tập 2) vừa là văn bản đánh giá năng lực đọc hiểu của học sinh (nghị luận văn học), vừa được chọn là ngữ liệu, chủ đề để ra các đề văn nghị luận xã hội. Vì vậy, học sinh cần nắm vững kiến thức, cũng như kĩ năng và có chiến lược đọc hiểu đúng đắn.
II. Hướng dẫn cách Đọc hiểu văn bản
1. Nắm vững kiến thức văn bản nghệ thuật
- Đọc hiểu văn bản thực chất là quá trình tìm hiểu ý nghĩa tác phẩm, hình tượng nghệ thuật tùy thuộc vào năng lực tiếp nhận của người đọc. Đọc hiểu giúp phát huy được năng lực cảm thụ văn học, phân tích, đánh giá văn bản, đoạn trích.
Văn bản nghệ thuật: là những văn bản mà nhà văn sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật xây dựng hình tượng chứa đựng giá trị thẩm mĩ.
+ Ngôn ngữ nghệ thuật: là tín hiệu có tính thẩm mĩ, tính biểu tượng, đa nghĩa… được sử dụng để xây dựng hình tượng nghệ thuật.
+ Hình tượng văn học: là những hình tượng được xây dựng dựa trên hiện thực đời sống, vừa hàm chứa các dụng ý nghệ thuật, triết lý nhân sinh mà tác giả đã gửi gắm trong đó.
- Mức độ đọc hiểu
Mức độ nhận biết:
+ Thể loại văn học: truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, kịch…
+ Biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, ...
+ Từ ngữ: danh từ, động từ và tính từ,....
+ Đề tài, chủ đề, nội dung của văn bản.
+ Chi tiết, hình ảnh tiêu biểu, nổi bật của băn bản.
+ Phương thức biểu đạt của văn bản (miêu tả, tự sự, thuyết mình, nghị luận, hành chính công vụ).
+ Hình thức lập luận (diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, song hành, móc xích…).
- Mức độ thông hiểu
+ Khái quát được chủ đề, nội dung chính văn bản đề cập.
+ Hiểu và nắm được tư tưởng nghệ thuật của tác giả.
+ Hiểu ý nghĩa, tác dụng việc sử dụng phương thức biểu đạt, từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ… trong văn bản.
- Mức độ vận dụng
+ Nhận xét đánh giá tư tưởng, quan điểm, tình cảm, thái độ tác giả thể hiện trong văn bản.
+ Nhận xét về giá trị nội dung, nghệ thuật của văn bản.
+ Rút ra tư tưởng, nhận thức.
2. Các dạng câu hỏi thường gặp
Mức độ thông hiểu | Các dạng câu hỏi |
Nhận biết | Nêu câu chủ đề, trình tự lập luận |
Nêu phương thức biểu đạt | |
Tìm từ ngữ, chi tiết, hình ảnh tiêu biểu | |
Chỉ ra phép liên kết trong đoạn trích, văn bản | |
Nhận diện kiểu câu (cấu tạo ngữ pháp, chức năng) | |
Thông hiểu | Nêu ý nghĩa của từ ngữ, hình ảnh |
Nêu ý nghĩa của câu thơ, câu văn xuôi trong đoạn trích, văn bản | |
Giải thích hình ảnh hoặc một câu trong đoạn trích, văn bản | |
Nêu đại ý, nội dung chính của đoạn văn, văn bản | |
Vận dụng | Cảm nhận về nhân vật (hình tượng nghệ thuật) trong bài |
Trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề được nêu trong đoạn trích, văn bản | |
Đề bài đưa ra nhận định, sử dụng văn bản để chứng minh nhận định |
3. Các phương thức biểu đạt
Phương thức biểu đạt | Khái niệm, đặc điểm |
Tự sự |
Trình bày chuỗi sự việc, sự kiện có quan hệ nhân quả dẫn đến kết quả. Yếu tố văn tự sự: nhân vật, diễn biến, thời gian, địa điểm, kết quả… |
Miêu tả | Dùng ngôn ngữ tái hiện hình ảnh, tính chất sự việc, sự vật, hiện tượng giúp con người nhận biết, hiểu được chúng. |
Biểu cảm | Nhu cầu bộc lộ trực tiếp, gián tiếp về thế giới xung quanh và thế giới tự nhiên xã hội |
Thuyết minh | Cung cấp, giới thiệu, giảng giải… những tri thức về một sự vật, hiện tượng con người cần biết. |
Nghị luận | Trình bày ý kiến, nhận định, đánh giá bàn bạc tư tưởng, chủ trương, quan điểm của con người với tự nhiên, xã hội thông qua hệ thống luận điểm, luận cứ và lập luận thuyết phục. |
Hành chính - công vụ | Trình bày theo mẫu chung dùng để giao tiếp trong hành chính trên cơ sở pháp lý |
4. Các phép liên kết hình thức trong văn bản
Phép liên kết | Đặc điểm |
Phép lặp |
Các câu được liên kết với nhau bằng hình thức câu sau lặp từ ngữ ở câu đứng trước + Lặp ngữ âm + Lặp từ ngữ + Lặp cú pháp |
Phép thế |
Sử dụng các từ ngữ có tác dụng thay thế từ ngữ đã xuất hiện ở câu trước + Phép thế đồng nghĩa + Phép thế đại từ |
Phép nối |
Sử dụng từ ngữ nối. + Nối bằng kết từ (quan hệ từ, từ nối): và, với, thì, mà còn, nếu, tuy, nhưng… + Nối bằng kết ngữ: tiếp theo, trên hết, ngược lại, nhìn chung, một là, ngược lại, tiếp theo… + Nối bằng trợ từ, phụ từ, tính từ: cũng, cả, lại, khác… |
Phép liên tưởng |
Sử dụng những từ ngữ ở câu sau mang nghĩa đồng nghĩa, trái nghĩa với những từ đã có ở câu trước đó. + Từ ngữ trái nghĩa + Từ ngữ phủ định (đi với từ ngữ không bị phủ định) + Từ ngữ miêu tả + Từ ngữ dùng ước lệ |
5. Các biện pháp tu từ từ vựng phổ biến
- Biện pháp so sánh: Là biện pháp đối chiếu sự vật này với sự vật khác có nét tương đồng nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. Có 2 phương pháp so sánh đó là:
+ So sánh ngang bằng.
+ So sánh không ngang bằng.
- Biện pháp nghệ thuật nhân hóa: biện pháp tu từ gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật bằng những từ ngữ được dùng để gọi hoặc tả con người, làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật trở nên sinh động, gần gũi với con người hơn.
- Ẩn dụ: Ẩn dụ là biện pháp tu từ sử dụng sự vật, hiện tượng khác dựa vào nét tương đồng (giống nhau) nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
- Hoán dụ: Hoán dụ là biện pháp tu từ sử dụng sự vật này để gọi tên cho sự vật, hiện tượng khác dựa trên sự gần gũi nhằm tăng sức gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt.
- Điệp ngữ: biện pháp lặp lại từ ngữ nhiều lần trong khi nói (viết) nhằm nhấn mạnh ý và bộc lộ cảm xúc.
Bảng hệ thống các tác giả, tác phẩm văn học trung đại đã học ở lớp 9
Tên đoạn trích | Tên tác giả | Nội dung | Nghệ thuật |
Chuyện người con gái Nam Xương | Nguyễn Dữ |
Qua câu chuyện kể về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương, tác phẩm thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến - Khẳng định vẻ đẹp của họ |
- Kết hợp các yếu tố hiện thực và yếu tố kỳ ảo, hoang đường với cách kể chuyện, xây dựng nhân vật thành công |
Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh | Phạm Đình Hổ | - Phản ánh đời sống xa đọa của vua chúa và sự nhũng nhiễu của bọn quan lại thời Lê - Trịnh | Lối ghi chép chân thật, cụ thể, sinh động |
Hồi thứ 14 của Hoàng Lê nhất thống chí | Ngô gia văn phái |
Hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ với chiến công thần tốc vĩ đại mùa xuân 1789 - Sự thảm bại của Tôn Sĩ Nghị và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống. |
- Tiểu thuyết lịch sử chương hồi phản ánh chân thực sự thật lịch sử. - Cách kể ngắn gọn, chọn lọc, khắc họa nhân vật qua hành động và lời nói. |
Chị em Thúy Kiều | Nguyễn Du | Trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp tài sắc vẹn toàn của chị em Thúy Kiều. Qua đó dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh | Nghệ thuật ước lệ tượng trưng, lấy vẻ đẹp tự nhiên để tả vẻ đẹp con người |
Cảnh ngày xuân | Nguyễn Du | Bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng. | Tả cảnh thiên nhiên bằng từ ngữ giàu hình ảnh, giàu chất tạo hình |
Kiều ở lầu Ngưng Bích | Nguyễn Du | Cảnh ngộ cô đơn buồn tủi và tấm lòng chung thủy, hiếu thảo đáng trân trọng của Kiều |
Miêu tả nội tâm nhân vật sâu sắc Bút pháp tả cảnh tuyệt bút |
Mã Giám Sinh mua Kiều | Nguyễn Du |
Bóc trần bản chất con buôn xấu xa, hèn hạ của Mã Giám Sinh Tình cảnh đáng thương của Thúy Kiều trong cơn gia biến |
Nghệ thuật kể chuyện kết hợp với miêu tả ngoại hình, cử chỉ và ngôn ngữ đối thoại tính nhân vật |
Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga | Nguyễn Đình Chiểu | Khát vọng hành đạo giúp đời thể hiện rõ nét qua hai nhân vật: Lục Vân Tiên tài ba, dũng cảm và Kiều Nguyệt Nga hiền hậu, ân tình | Nghệ thuật kể chuyện, miêu tả giản dị, mộc mạc, giàu màu sắc Nam Bộ |
Lục Vân Tiên gặp nạn | Nguyễn Đình Chiểu | Sự đối lập giữa thiện và ác, giữa những nhân cách cao cả với toan tính thấp hèn | Nghệ thuật miêu tả nhân vật qua hành động, ngôn ngữ, lời thơ giàu cảm xúc, bình dị |