Lịch Sử 9 Bài 19: Phong trào cách mạng trong những năm 1930 - 1935 - trang 72
Bài 19: Phong trào cách mạng trong những năm 1930 - 1935
Trả lời câu hỏi Lịch Sử 9 Bài 19 trang 72: Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 – 1933) đã tác động đến tình hình kinh tế và xã hội Việt Nam ra sao?
Hướng dẫn giải:
Kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào kinh tế Pháp nên cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã làm cho nền kinh tế và xã hội Việt Nam bị khủng hoảng nặng nề:
- Về kinh tế: Nông nghiệp, công nghiệp bị suy sụp, xuất nhập khẩu bị đình đốn, hàng hóa khan hiếm, giá cả đắt đỏ.
- Về xã hội:
+ Nhân dân lao động cực khổ: Công nhân thất nghiệp; nông dân bần cùng hóa, phá sản; tiểu tư sản điêu đứng; nhiều tư sản phá sản.
+ Sưu thuế tăng cao, thực dân Pháp khủng bố phong trào cách mạng.
=> Phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ.
Trả lời câu hỏi Lịch Sử 9 Bài 19 trang 75: Căn cứ vào đâu để cho rằng Xô viết Nghệ - Tĩnh thật sự là chính quyền cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng?
Hướng dẫn giải:
* Xô viết Nghệ - Tĩnh thật sự là chính quyền cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng:
- Chính quyền của đế quốc, phong kiến ở nhiều huyện bị tê liệt, nhiều xã tan rã.
- Các Xô viết lần lượt ra đời, ban chấp hành nông hội xã do các Chi bộ Đảng lãnh đạo đứng ra quản lí mọi mặt đời sống chính trị và xã hội ở nông thôn, làm nhiệm vụ của chính quyền nhân dân.
+ Về chính trị: kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng, bãi bỏ các thứ thuế, thực hiện quyền tự do dân chủ cho nhân dân, thành lập các đoàn thể cách mạng dưới hình thức các nông hội, Công hội, Hội tương tế...
+ Mỗi làng đều tổ chức các đội tự vệ vũ trang.
+ Về kinh tế: chia lại ruộng đất công cho nông dân, bắt địa chủ giảm tô, xóa nợ.
+ Về văn hóa, giáo dục: khuyến khích nhân dân học chữ Quốc ngữ, bài trừ mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội, tuyên truyền ý thức chính trị cho quần chúng...
Trả lời câu hỏi Lịch Sử 9 Bài 19 trang 76: Các đảng viên cộng sản trong nhà tù của thực dân Pháp đã thái độ như thế nào trước chính sách khủng bố tàn bạo của kẻ thù?
Hướng dẫn giải:
- Thái độ của các đảng viên cộng sản trong nhà tù của thực dân Pháp trước chính sách khủng bố tàn bạo của kẻ thù:
+ Nêu cao khí phách kiên cường, bất khuất, kiên trì đấu tranh bảo vệ lập trường, quan điểm cách mạng của Đảng.
+ Biến nhà tù thành trường học cách mạng, tìm mọi cách để liên hệ với các cơ sở Đảng ở bên ngoài.
Bài 1 trang 76 Lịch Sử 9: Phong trào cách mạng nước ta đến năm 1935 đã phát triển trở lại như thế nào?
Hướng dẫn giải:
Phong trào cách mạng nước ta đến năm 1935 đã phát triển trở lại, hệ thống tổ chức Đảng trong nước đã được khôi phục.
- Các xứ ủy Bắc Kì, Trung Kì, Nam Kì lần lượt được lập lại.
- Các đoàn thể Công hội, Nông hội và các tổ chức của các lực lượng xã hội khác cũng được lập lại.
- Khắp nơi trong nước, phong trào đã dần dần được phục hồi.
- Đến tháng 3-1935, Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao (Trung Quốc) chuẩn bị cho một cao trào cách mạng mới.
Bài 2 trang 76 Lịch Sử 9: Đảng đã kịp thời có những thay đổi gì trong lãnh đạo phong trào cách mạng nước ta có điều kiện phát triển trở lại sau một thời kì tạm lắng?
Hướng dẫn giải:
* Đảng ta đã kịp thời chuyển vào hoạt động bí mật để củng cố lực lượng:
- Các đảng viên công sản vẫn bí mật hoạt động trong tù.
- Số đảng viên bên ngoài cũng âm thầm tìm cách gây dựng lại các tổ chức cơ sở của Đảng.
- Các tổ chức cơ sở đảng ở địa phương vẫn tồn tại và kiên trì bám chắc quần chúng để hoạt động.
- Lợi dụng các tổ chức công khai, hợp pháp của kẻ thù để đẩy mạnh đấu tranh.
- Tại các thành phố Hà Nội, Sài Gòn, một số đảng viên tranh thủ khả năng đấu tranh hợp pháp để ra tranh cử vào các hội đồng thành phố, lợi dụng diễn đàn công khai để tuyên truyền cổ động quần chúng theo các khẩu hiệu của Đảng.
- Đến tháng 3-1935, Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao (Trung Quốc) để củng cố tổ chức, chuẩn bị cho một cao trào cách mạng mới.
Bài trước: Lịch Sử 9 Bài 18: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời - trang 70 Bài tiếp: Lịch Sử 9 Bài 20: Cuộc vận động dân chủ trong những năm 1936-1939 - trang 77