Tổng quan đoạn trích: Chị em Thúy Kiều
I. Đôi nét về tác phẩm Chị em Thúy Kiều
1. Vị trí đoạn trích
Đoạn trích nằm ở phần mở đầu của phần 1: Gặp gỡ và đính ước
2. Bố cục: Đoạn trích được chia thành 4 phần như sau:
- Phần 1 (4 câu đầu): giới thiệu khái quát hai chị em Thúy Kiều
- Phần 2 (4 câu tiếp): gợi tả vẻ đẹp Thúy Vân
- Phần 3 (12 câu tiếp): gợi tả vẻ đẹp Thúy Kiều
- Phần 4 (4 câu cuối): Nhận xét chung về cuộc sống của hai chị em
3. Giá trị nội dung
Đoạn trích đã khắc họa rõ nét chân dung tuyệt mĩ của hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, ca ngợi vẻ đẹp, tài năng và dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh của Thúy Kiều. Đây là biểu hiện cho cảm hứng nhân văn sâu sắc của tác giả.
4. Giá trị nghệ thuật
Nghệ thuật nổi bật của đoạn trích là nghệ thuật khắc họa nhân vật lí tưởng bằng bút pháp ước lệ tượng trưng – lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm nổi bật vẻ đẹp của con người, không miêu tả chi tiết cụ thể mà tả để gợi, sử dụng biện pháp đòn bẩy làm nổi bật vẻ đẹp của Thúy Kiều.
II. Dàn ý phân tích Chị em Thúy Kiều
I. Mở bài
- Giới thiệu những nét khái quát cơ bản về tác giả Nguyễn Du: một đại thi hào lớn không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn của toàn thế giới. Đại thi hào Nguyễn Du đã để lại những tác phẩm văn chương nghệ thuật độc đáo cho đời.
- Giới thiệu về Truyện Kiều và đoạn trích Chị em Thúy Kiều: Truyện Kiều có thể nói là một tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Du, đoạn trích Chị em Thúy Kiều là một đoạn trích tiêu biểu khắc họa rõ nét vẻ đẹp, tài sắc vẹn toàn của Thúy Vân, Thúy Kiều.
II. Thân bài
1. Bốn câu thơ đầu: giới thiệu khái quát hai chị em Thúy Kiều
- Chỉ với hai câu thơ lục bát ngắn ngủi, Nguyễn Du đã giới thiệu được hai nhân vật và vị trí của hai người một cách đầy tự nhiên:
“Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân”
- Câu thơ “Mai cốt cách tuyết tinh thần”: bút pháp ước lệ gợi vẻ trong trắng, thanh cao và vô cùng duyên dáng của hai chị em thiếu nữ, đó là cốt cách như mai, tinh thần như tuyết.
- “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”: Ở hai chị em đều mang nét đẹp riêng nhưng đều là những tuyệt sắc giai nhân. Nếu chấm thang điểm mười thì sắc đẹp của hai chị em đều là tuyệt đối.
2. Bốn câu tiếp theo: gợi tả vẻ đẹp Thúy Vân
- Câu thơ mở đầu khái quát vẻ đẹp của Thúy Vân, “trang trọng” gợi vẻ cao sang, quý phái
- Vẻ đẹp của Thúy Vân được so sánh với những thứ đẹp nhất trên đời: trăng, hoa, mây, tuyết, ngọc
- Chân dung Thúy Vân được miêu tả toàn vẹn từ mái tóc đến nụ cười, giọng nói, phong thái ứng xử nghiêm trang: khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, lông mày sắc nét như ngài, miệng tươi như hoa, đoạn trang như ngọc,...
- Chân dung dự đoán số phận: “mây thua”, “tuyết nhường” ⇒ số phận êm đềm
3.12 câu tiếp: Gợi tả vẻ đẹp tài sắc vẹn toàn của Thúy Kiều
- “Kiều càng sắc sảo mặn mà”: khái quát đặc điểm của nhân vật
- Nguyễn Du đã sử dụng những hình ảnh ước lệ “thu thủy”, “xuân sơn”: gợi đôi mắt đẹp trong sáng, long lanh, linh hoạt như nước mùa thu, lông mày thanh tú như nét núi mùa xuân ⇒ phẩm chất tinh anh của một tâm hồn trí tuệ
- “Hoa ghen... kém xanh”: Vẻ đẹp của Kiều khiến thiên nhiên ghen tị, nổi giận ⇒ Từ đó dự báo một cuộc đời lắm truân chuyên.
- Không chỉ tả nhan sắc, Nguyễn Du còn nhấn mạnh vào sự tài năng của Thúy Kiều “Sắc đành đòi một tài đành họa hai”: Kiều thông minh và đa tài
+ Tài năng của nàng đạt đến mức lí tưởng theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến: hội tụ đủ cầm kì thi họa “pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”
+ “Cung thương làu bậc... một trương”: Tác giả nhấn mạnh tài đàn của Kiều
+ “Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”: Kiều còn giỏi sáng tác, khúc bạc mệnh của Kiều phải chăng là tiếng lòng của một trái tim đa sầu, đa cảm
⇒ Thúy Kiều là một nhân vật hiện lên với sự toàn vẹn cả tài và sắc.
4.4 câu cuối: Nhận xét chung về cuộc sống của hai chị em
- “Phong lưu rất mực hồng quần”: Gợi hoàn cảnh sống của hai chị em thúy Kiều, họ sống trong gia đình phong lưu, gia giáo.
- Hai chị em luôn sống theo khuôn phép, đức hạnh, theo đúng khuôn khổ của lễ giáo phong kiến. Tuy cả hai đều “đến tuần cập kê” nhưng vẫn “êm đềm trướng rủ màn che- tường đông ong bướm đi về mặc ai”.
III. Kết bài
- Khái quát về giá trị nghệ thuật làm nên thành công của đoạn trích: ước lệ tượng trưng, bút pháp gợi tả...
- Liên hệ trình bày suy nghĩ bản thân về vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều
Bài trước: Tổng quan về: Tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều Bài tiếp: Tổng quan về đoạn trích: Cảnh ngày xuân