Trang chủ > Lớp 9 > Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 9 > Tổng quan: Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

Tổng quan: Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

I. Giới thiệu đôi nét về tác giả

- Phạm Đình Hổ, sinh năm 1768, mất năm 1839 - tên chữ là Tùng - Niên hoặc Bỉnh Trực, hiệu là Đông Dã Tiểu, tục gọi là Chiêu Hổ

- Quê quán: Ông là người làng Đan Loan, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương (nay thuộc xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương)

- Sự nghiệp sáng tác:

+ Phạm Đình Hổ sống vào thời buổi đất nước loạn lạc nên ông không tham gia chốn quan trường mà chỉ muốn sống cuộc đời ẩn cư. Đến thời Minh Mạng nhà Nguyễn, nhà vua mời ông ra làm quan, dù đã nhiều lần từ chối nhưng cuối cùng ông lại nhận lời ra làm quan.

+ Một số tác phẩm nổi tiếng: Ông để lại nhiều văn thơ viết bằng chữ Hán có giá trị lịch sử như “Vũ trung tùy bút” và “Tang thương ngũ lục”

II. Đôi nét về tác phẩm Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

1. Hoàn cảnh sáng tác

Đoạn trích nằm trong tác phẩm Vũ trung tùy bút, viết khoảng đầu đời Nguyễn (đầu thế kỉ XIX), là tác phẩm văn xuôi ghi lại một cách sinh động, hấp dẫn hiện thực đen tối của lịch sử nước ta, vừa là tài liệu quý giá về sử học, địa lí, xã hội học.

2. Bố cục của đoạn trích gồm 2 phần:

- Phần 1 (Từ đầu đến “triệu bất tường”): Cuộc sống sa hoa, hưởng lạc của chúa Trịnh Sâm

- Phần 2 (Đoạn còn lại): Sự nhũng nhiễu của bọn quan lại dưới quyền

3. Giá trị nội dung

Đoạn trích “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” phản ánh đời sống sa hoa của vua chúa và sự nhũng nhiễu của bọn quan lại thời Lê- Trịnh. Từ đó đưa đến một góc nhìn chân thực, phơi bày thực trạng đen tối của xã hội Việt Nam dưới thời vua Lê – chúa Trịnh.

4. Giá trị nghệ thuật

Tác giả đã rất thành công ở thể loại tùy bút, với sự ghi chép rất chân thực, sinh động mà lại giàu chất trữ tình. Cùng với đó là các chi tiết miêu tả chọn lọc kĩ càng, đắt giá, giàu sức thuyết phục, tả cảnh đẹp vô cùng tỉ mỉ nhưng lại nhuốm màu u ám, mang tính dự báo. Giọng điệu gần như khách quan nhưng cũng rất khéo léo thể hiện thái độ đó là sự lên án bọn vua quan qua thủ pháp liệt kê.

III. Dàn ý phân tích Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

I. Mở bài

- Giới thiệu những nét cơ bản nhất về tác giả Phạm Đình Hổ và tác phẩm Vũ trung tùy bút: Một tác giả mang cốt cách thanh cao của kẻ sĩ Bắc Hà lo cho dân, cho nước. Vũ trung tùy bút là tác phẩm đặc sắc tiêu biểu của ông với bút pháp nghệ thuật tinh tế

- Vài nét về đoạn trích “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh”: phản ánh đời sống sa hoa của vua chúa và sự nhũng nhiễu của bọn quan lại thời Lê- Trịnh, đưa đến một góc nhìn chân thực về sự đen tối của xã hội Việt Nam thời bấy giờ

II. Thân bài

1. Thói ăn chơi hưởng lạc sa hoa, vô độ của chúa Trịnh Sâm

- Sự xa hoa trong cuộc sống của chúa Trịnh Sâm đã được ghi chép lại chân thực, tỉ mỉ:

+ Chúa cho xây dựng nhiều cung điện, đền đài chỉ để thỏa mong muốn “thích chơi đèn đuốc” - Cho thấy việc làm vô nghĩa, ngớ ngẩn

+ Việc xây dựng đền đài vì mục đích cá nhân này đã làm cho nhân dân càng thêm cảnh lầm than, nghèo đói.

+ Chúa thường xuyên tổ chức các cuộc dạo chơi Tây Hồ ba bốn lần một tháng, mỗi cuộc dạo chơi lại huy động rất nhiều người hầu hạ cùng những trò giải trí lố lăng, tốn kém

+ Việc tìm thu vật “phụng thủ” chính là cướp đoạt những vật quý giá trong thiên hạ. Việc tập trung miêu tả việc đưa một cây đa cổ thụ về ừ bên kia sông, cần tới cơ binh hàng trăm người ⇒ sự kì công, cũng cho thấy sự sa hoa tốn kém

⇒ Với cách ghi chép tỉ mỉ, khách quan và vô cùng chân thực, không đưa thêm bất cứ một lời bình luận nào nhưng cũng đủ để cho thấy sự ăn chơi sa đọa, không màng đến quốc gia đại sự của một người nắm binh quyền ⇒ Từ đó dự báo trước sự sụp đổ, suy vong là điều không tránh khỏi trong tương lai.

2. Sự nhũng nhiễu của bọn quan lại dưới quyền

- Sự sa hoa hưởng lạc của người đứng đầu đưa đến thói nhũng nhiễu của quan lại dưới trướng:

+ Bọn hoạn quan được sủng ái vì giúp vua trong những trò chơi sa hoa nên ỷ thế hoành hành, tác oai tác quái.

+ Chúng tìm thu vật “phụng thủ” mà thực ra chính là vừa ăn cướp, vừa la làng ⇒ người dân bị cướp đến hai lần, hoặc phải tự hủy bỏ những sản vật quý giá của mình, mà chúng thì lại vừa vơ vét làm của riêng lại vừa được tiếng mẫn cán

+ Tác giả Phạm Đình Hổ đã kể câu chuyện từ chính gia đình ông, đó là khi bà mẹ ông phải sai chặt đi một cây kê và hai cây lựu quý chỉ vì muốn tránh tai họa ⇒ Qua đó càng tăng sức thuyết phục cho sự chân thực của những ghi chép.

⇒ Qua cách ghi chép, tác giả đã kín đáo bộc lộ thái độ bất bình, phê phán của mình trước những hành động bất nhân, bất nghĩa đó.

III. Kết bài

- Khái quát lại những nét nghệ thuật tiêu biểu làm nên thành công nội dung của đoạn trích: Cách ghi chép hết sức tỉ mỉ, chân thực, ngòi bút Phạm Đình Hổ là một ngòi bút trầm tĩnh mà sâu sắc,...

- Tác phẩm không chỉ mang giá trị văn chương mà còn mang giá trị lịch sử đáng ghi nhận

- Mở rộng trình bày suy nghĩ bản thân về những nội dung phản ánh trong đoạn trích