Tập làm văn: Tả cây cổ thụ
“Cây gì có rễ buông mành
Lá rụng em biến được thành đàn trâu? ”
Các bạn có biết, đó là loài cây gì không? Đó chính là cây đa. Và làng quê của tôi cũng có một cây đa già như thế. Quanh năm, bác khoác một chiếc áo xanh um và che rợp bóng mát cho mọi người khi ngồi nghỉ chân.
Nhìn từ xa, cây đa cao lớn như một vệ sĩ dũng mãnh canh gác, giữ gìn sự yên bình cho xóm làng. Một điều khiến chúng tôi thích thú nhất chính là đôi chân sần sùi, nâu đen của bác. Đôi chân ấy là những chiếc rễ lớn, cuồn cuộn nổi lên mặt đất, mọc chìa ra xung quanh rồi cắm sâu xuống lòng đất. Chắc hẳn, nhờ đôi chân này mà bác vẫn luôn đứng hiên ngang ngày này qua tháng khác chẳng mưa gió nào có thể quật ngã được bác. Từ đôi chân này, thân bác đa vươn thẳng lên trời. Thân bác to tròn, làm trụ đỡ vững chắc cho muôn cánh tay. Cánh tay bác là những cành đa lớn nhỏ. Vì đây là cây đa cổ thụ nên nó có rất nhiều cành lớn nhỏ khác nhau. Cây đa đứng cạnh một chiếc hồ lớn, có những cành mọc chìa ra phía lòng hồ che mát cho đàn cá dưới nước. Những cánh tay bác đa như đang vươn ra mọi phía để nâng đỡ “mái tóc” lá dày, xanh um. Những ngày mây mù, tầng lá đa ẩn hiện như chạm tới vòm trời. Lá đa tròn bầu, thuôn về phía trước. Mặt lá hơi thô ráp, những đường gân nổi lên theo hình xương cá. Nhờ cấu tạo đặc biệt này, chúng tôi thường biến lá đa thành những chú trâu ngộ nghĩnh. Chúng tôi còn hay nghịch những quả đa. Quả đa tròn, to hơn viên bi một chút và kết thành từng chùm, từng chùm. Khi chín vàng, quả đa rơi đầy khắp mặt đất. Đàn chim líu lo sà xuống, dùng chiếc mỏ nhỏ của mình để nhặt nhạnh. Dường như với những chú chim, quả đa luôn là món ăn ngon và vô cùng hấp dẫn với chúng.
Bao năm tháng qua đi, bác đa già vẫn lặng lẽ đứng đó. Có lẽ, bác không chỉ đứng để che mát cho người dân mà còn để chứng kiến niềm vui, nỗi buồn và nhịp sống thường ngày của dân làng.
Bài trước: Tập làm văn: Tả cây hoa hồng Bài tiếp: Tập làm văn: Tả cây bàng