Tập làm văn: Tả cây bút máy
Từ xa xưa ông cha ta đã có câu “Nét chữ nết người”. Nét chữ thể hiện tính cách con người. Thuở nhỏ, ai trong chúng ta cũng luôn nắt nót viết từng nét chữ câu thơ sao cho đẹp nhất, ngay ngắn nhất. Và người bạn giúp chúng ta có được những nét chữ đẹp đó chính là cây bút mực.
Khi mẹ mới mua về, chiếc bút nằm yên lặng trong hộp. Trước mắt em một chiếc bút mực dài khoảng 15 cen – ti – mét, gần bằng một gang tay của em. Nó không giống bút chì, mà trông vẻ to béo, cứng rắn hơn và khoác trên mình bộ áo giáp sắt màu đỏ tươi điểm thêm hình những hình thù ngộ nghĩnh lúc thì chiếc lá lúc thì những ngôi sao nhiều màu sắc. Sự khác biệt này là do cấu tạo của bút mực phức tạp hơn bút chì rất nhiều.
Thân bút dài hơn, gồm một lớp vỏ và ruột bút. Lớp vỏ được khắc dòng chữ “Kim Thành 39”. À, hóa ra đây chính là tên của chiếc bút. Vỏ và ruột có thể tháo rời khi em vặn xoay chúng. Ngòi bút màu vàng, sáng bóng, thuôn nhọn cùng chiếc lưỡi gà nho nhỏ áp sát giúp cho mực ra đều. Phía trên ngòi bút là những đường viền tròn nhỏ. Chúng ta cầm tay ở phần đó để viết sẽ không bị trơn mà chắc chắn hơn. Phần ống mực được thiết kế khéo léo vô cùng, em chỉ cần vặn xoay, mực có thể hút vào, bơm ra. Dường như, với những cậu bạn bút máy, mực giống như một loại thức ăn không thể thiếu hằng ngày vậy. Có “thức ăn” này, các cậu mới có sức khỏe, có năng lượng để làm việc. Một bộ phận không thể thiếu của chiếc bút đó chính là chiếc nắp bút. Nắp bút ngắn hơn thân bút. Mỗi lần sau khi chiếc bút làm xong nhiệm vụ của mình thì nắp bút lại ân cần đóng lại để bảo vệ ngòi bút không bị va vào đâu hay khô mực.
Hằng ngày, chiếc bút vẫn nằm ngay ngắn trong hộp bút của em để theo em tới trường. Nó đã giúp em viết những dòng chữ sạch đẹp, ghi lại bao nhiêu bài học bổ ích. Em thầm hứa sẽ gìn giữ bút thật cẩn thận để chiếc bút sẽ đồng hành cùng em trong suốt năm học này.
Bài trước: Tập làm văn: Tả cái bàn học của em