Trang chủ > Lớp 8 > Giải BT Vật Lí 8 > Bài 20: Nguyên tử, phân tử chuyển động hay đứng yên? - Giải BT Vật Lí 8

Bài 20: Nguyên tử, phân tử chuyển động hay đứng yên? - Giải BT Vật Lí 8

Bài 20: Nguyên tử, phân tử chuyển động hay đứng yên?

Bài C1 (trang 71 SGK Vật Lý 8): Quả bóng tương tự với hạt nào trong thí nghiệm của Brao- nơ?

Bài giải:

Quả bóng tương tự với hạt phấn hoa trong thí nghiệm của Brao- nơ.

Bài C2 (trang 71): Các học sinh tương tự với những hạt nào trong thí nghiệm của Brao- nơ?

Bài giải:

Các học sinh tương tự với những phân tử nước trong thí nghiệm của Brao- nơ.

Bài C3 (trang 72 SGK Vật Lý 8): Vì sao các phân tử nước có thể làm cho các hạt phấn hoa chuyển động?

Bài giải:

Các phân tử nước có thể làm cho các hạt phấn hoa chuyển động là do các phân tử nước không đứng yên mà chuyển động hỗn độn không ngừng. Trong khi chuyển động, các phân tử nước va chạm vào các hạt phấn hoa từ nhiều phía, các va chạm này không cân bằng, làm cho các hạt phấn hoa cũng chuyền động hỗn độn không ngừng.

Bài C4 (trang 72): Đổ nhẹ nước vào một bình đựng dung dịch đồng sun phát màu xanh (H. 20.4). Vì nước nhẹ hơn nên nổi ở trên tạo thành một mặt phân cách giữa hai chất lỏng.

Sau một thời gian, mặt phân cách này mờ dần rồi mất hẳn. Trong bình chỉ còn một chất lỏng đồng nhất màu xanh nhạt. Nước và dung dịch đồng sun phát đã hòa lẫn vào nhau. Hiện tượng này được gọi là hiện tượng khuếch tán.

Dùng những hiểu biết của mình về nguyên tử, phân tử để giải thích cho hiện tượng trên.

Bài giải:

Giải thích hiện tượng: nước và dung dịch đồng sun phát màu xanh dần hòa trộn vào nhau tạo thành chất lỏng màu xanh nhạt là vì, các phân tử nước và đồng sun phát đều chuyển động hỗn độn không ngừng về mọi phía. Các phân tử đồng sun phát có thể chuyển động lên trên, xen vào khoảng cách giữa những phân tử nước và ngược lại các phân tử nước có thể chuyển động xuống dưới xen vào giữa khoảng cách của các phân tử đồng.

Bài C5 (trang 73 SGK Vật Lý 8): Vì sao trong nước hồ, ao, sông, biển lại có không khí mặc dù không khí nhẹ hơn nước rất nhiều?

Bài giải:

Trong nước hồ, ao, sông, biển lại có không khí mặc dù không khí nhẹ hơn nước rất nhiều là vì: Các phân tử không khí có thể nằm giữa khoảng cách của các phân tử nước, đồng thời các phân tử không khí và các phân tử nước luôn chuyển động không ngừng nên dù nhẹ hơn, các phân tử không khí cũng không 'nổi lên' và thoát ra khỏi nước.

Bài C6 (trang 73): Hiện tượng khuyếch tán có xảy ra nhanh hơn khi tăng nhiệt độ không? Giải thích vì sao?

Bài giải:

Hiện tượng khuếch tán sẽ xảy ra nhanh hơn khi tăng nhiệt độ vì khi tăng nhiệt độ thì các phần tử, nguyên tử chuyển động nhanh hơn, chúng tự hòa trộn với nhau nhanh hơn.

Bài C7 (trang 73): Bỏ vài hạt thuốc tím vào một cốc đựng nước lạnh và một cốc đựng nước nóng. Quan sát và giải thích hiện tượng xảy ra.

Bài giải:

Thuốc tím trong cốc nước nóng sẽ hòa tan nhanh hơn trong cốc đựng nước lạnh vì trong cốc nước nóng, nhiệt độ cao hơn nên các phân tử nước và các phân tử thuốc tím chuyển động hỗn độn nhanh hơn. Kết quả là hiện tượng khuếch tán xảy ra nhanh hơn.