Thực hành: Đọc lát cắt địa lí tự nhiên tổng hợp (ĐL 8 Bài 40)
Quan sát lát cắt tổng hợp địa lý tự nhiên từ Phan-xi-păng tới thành phố Thanh Hóa (theo tuyến cắt A - B trên sơ đồ) và em hãy:
a. Xác định tuyến cắt A – B ở trên lược đồ.
- Tuyến cắt được chạy theo hướng nào? Và qua những khu vực địa hình nào?
- Hãy tính độ dài của tuyến cắt A – B theo tỉ lệ ngang của lát cắt.
b. Dựa theo kí hiệu và bản chú giải của từng hợp phần tự nhiên và chỉ ra trên lát cắt (từ A đến B và từ dưới lên trên):
- Có các loại đá, loại đất nào? Và chúng phân bố ở đâu?
- Có bao nhiêu kiểu rừng? Và chúng được phát triển trong điều kiện tự nhiên thế nào?
c. Dựa vào biểu đồ nhiệt độ lượng mưa đã vẽ trên lát cắt của 3 trạm khí tượng Hoàng Liên Sơn; Mộc Châu và Thanh Hóa. Hãy chỉ ra sự khác biệt khí hậu trong khu vực đó.
Trả lời:
a) Xác định tuyến cắt:
- Tuyến cắt được chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam; đi qua các khu vực núi cao như: Hoàng Liên Sơn; cao nguyên Mộc châu và đồng bằng Thanh Hóa.
- Độ dài của tuyến cắt đo được trên bản đồ có tỉ lệ 1: 2 000 000 là 17,5cm. Vậy chiều dài thực tế là: 17,5 x 2 000 000 = 35 000 000cm (= 350 km).
b) Hợp phần tự nhiên:
- Có các loại đá: Macma xâm nhập; phun trào ở khu vực núi cao Hoàng Liên Sơn; trầm tích trên đá vôi ở khu cao nguyên Mộc Châu và trầm tích phù sa sông ở đồng bằng Thanh Hóa.
- Các loại đất: đất bùn núi cao ở khu vực Hoàng Liên Sơn; đất feralit trên đá vôi tại cao nguyên Mộc Châu và đất phù sa mới ở đồng bằng Thanh Hóa.
- Có 3 kiểu rừng:
+ Rừng ôn đới phát triển trên đất mùn núi cao Hoàng liên sơn với nhiệt độ trung bình năm thấp và lượng mưa lớn.
+ Rừng cận nhiệt đới phân bố trên đất feralit đá vôi trên cao nguyên ở Mộc Châu.
+ Rừng nhiệt đới phân bố ở địa hình thấp của cao nguyên Mộc Châu với nhiệt độ trung bình năm cao, lượng mưa khá lớn.
c) Sự khác biệt khí hậu trong khu vực:
- Khu vực Hoàng Liên Sơn:
+ Nền nhiệt độ trung bình năm thấp chỉ 12,8oC, nhiệt độ tháng 7 cao nhất là 16,4oC.
+ Lượng mưa trung bình năm cao đạt 3553mm/năm; mùa mưa thường kéo dài 7 tháng và cao nhất là tháng 7 là 680mm.
- Khu vực cao nguyên Mộc Châu:
+ Nhiệt độ trung bình năm ôn hòa trung bình 18,5oC; tháng 7 có nhiệt độ cao nhất là 23oC; tháng 1 thấp nhất là 11,8oC.
+ Lượng mưa trung bình năm thấp nhất trong 3 khu vực chỉ 1560mm; mùa mưa dài 6 tháng; tháng 7 có lượng mưa cao nhất là 331mm.
- Khu vực đồng bằng Thanh Hóa:
+ Nhiệt độ năm cao nhất 23,6oC; tháng 6 và 7 có nhiệt độ cao nhất đạt 28,9oC; tháng 1 nhiệt độ thấp nhất là 17,4oC.
+ Lượng mưa trung bình năm đạt 1746mm; mùa mưa kéo dài 6 tháng; tháng 9 có mưa cao nhất là 396mm.
Bài trước: Đặc điểm chung của tự nhiên Việt Nam (ĐL 8 Bài 39) Bài tiếp: Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ (ĐL 8 Bài 41)