Trang chủ > Lớp 7 > Giải SBT Vật Lí 7 > Bài 20: Chất dẫn điện và chất cách điện - Dòng điện trong kim loại - trang 44 Sách bài tập Vật Lí 7

Bài 20: Chất dẫn điện và chất cách điện - Dòng điện trong kim loại - trang 44 Sách bài tập Vật Lí 7

Bài 20.1 trang 44 Sách bài tập Vật Lí 7: Điền các cụm từ thích hợp vào chỗ trống trong các câu dưới đây:

a. Các điện tích có thể dịch chuyển qua...

b. Các điện tích không thể dịch chuyển qua...

c. Kim loại là chất điện dẫn vì trong đó có các... có thể dịch chuyển có hướng.

d. Tia chớp là do các điện tích chuyển động rất nhanh qua không khí tạo ra. Trong trường hợp này không khí là...

Bài giải:

a. Các điện tích có thể dịch chuyển qua vật dẫn điện (vật liệu dẫn điện, chất liệu dẫn điện).

b. Các điện tích không thể dịch chuyển qua vật cách điện (vật liệu cách điện, chất liệu cách điện).

c. Kim loại là chất điện dẫn vì trong đó có các electron tự do có thể dịch chuyển có hướng.

d. Tia chớp là do các điện tích chuyển động rất nhanh qua không khí tạo ra. Trong trường hợp này không khí là chất dẫn điện.

Bài 20.2 trang 44: Trong thí nghiệm được bố trí như hình 20.1, hai quả cầu A và B gắn với giá đỡ bằng nhựa đặt đủ xa. Khi làm quả cầu A nhiễm điện, hai lá nhôm mỏng gắn với nó xòe ra.

a. Tại sao hai lá nhôm này xòe ra?

b. Có hiện tượng gì xảy ra với hai lá nhôm mỏng gắn với quả cầu B hay không, nếu nối A với B bằng một thanh nhựa như hình 20.2? Tại sao?

c. Cũng như câu hỏi b) trên đây, nhưng thay cho thanh nhựa người ta dùng một thanh kim loại có tay cầm bằng nhựa để nối A với B.

Bài giải:

a. Hai lá nhôm này xòe ra là vì chúng nhiễm điện cùng loại dẫn đến đẩy nhau

b. Không có hiện tượng gì xảy ra đối với hai lá nhôm bên quả cầu B. Vì thanh nhựa là vật cách điện nên điện tích không thể dịch chuyển qua nó.

c. Hai lá nhôm bên quả cầu A gắn lại với nhau còn hai lá nhôm bên quả cầu B xòe ra. Vì thanh kim loại là vật dẫn điện. Các điện tích chuyển từ quả cầu A tới quả cầu B qua thanh kim loại. quả cầu A mất bớt điện tích, quả cầu B thêm điện tích

Bài 20.3 trang 44: Quan sát dưới gầm các ô tô chở xăng bao giờ ta cũng thấy có một dây xích sắt. Một đầu của dây xích này được nối với vỏ thùng chứa xăng, đầu kia được thả kéo lê trên mặt đường. Hãy cho biết dây xích này được sử dụng như thế để làm gì? Tại sao?

Bài giải:

- Dùng dây xích sắt như trên để tránh xảy ra cháy nổ xăng.

- Bởi vì khi chạy, ô tô cọ xát mạnh với không khí, làm nhiễm điện những phần khác nhau của nó. Nếu bị nhiễm điện mạnh, giữa các phần này phát sinh tia lửa điện gây cháy nổ xăng. Nhờ dây xích sắt là vật dẫn điện, các điện tích từ ô tô dịch chuyển qua nó xuống đất, loại trừ sự nhiễm điện mạnh.

Bài 20.4 trang 45: Sử dụng một đèn pin (đã lắp sẵn pin và hoạt động tốt) hoặc mạch điện thắp sáng đèn của xe đạp để xác định xem các vật sau đây là vật dẫn điện hay vật cách điện:

a. Mặt có lớp phủ màu vàng (hay màu bạc) của giấy bọc lót trong bao thuốc lá.

b. Giấy trang kim (thường dùng để gói quà tặng).

Bài giải:

a. Lớp màu vàng hay màu bạc của giấy lót bên trong vỏ bọc bao thuốc lá là vật dẫn điện (thường là lớp thiếc mỏng, phủ màu).

b. Giấy trang kim là vật cách điện (đó là nilong có phủ sơn màu).

Bài 20.5 trang 45: Vật nào dưới đây là vật cách điện?

A. Một đoạn ruột bút chì

B. Một đoạn dây thép

C. Một đoạn dây nhôm

D. Một đoạn dây nhựa

Bài giải:

Đáp án đúng là D

Giải thích: Vật cách điện là vật không cho dòng điện đi qua nên đáp án D là đáp án đúng, đoạn dây bằng nhựa không cho dòng điện đi qua là vật cách điện.

Bài 20.6 trang 45: Dòng điện là gì?

A. Dòng điện chỉ là dòng các điện tích dương dịch chuyển có hướng.

B. Dòng điện chỉ là dòng các điện tích âm dịch chuyển có hướng.

C. Dòng điện chỉ là dòng các electron dịch chuyển có hướng.

D. Dòng điện chỉ là dòng các điện tích bất kì dịch chuyển có hướng.

Bài giải:

Đáp án đúng là D

Giải thích: Dòng điện là dòng các điện tích bất kì dịch chuyển có hướng.

Bài 20.7 trang 45: Electron tự do có trong vật nào dưới đây?

A. Mảnh nilong

B. Mảnh nhôm

C. Mảnh giấy khô

D. Mảnh lụa

Bài giải:

Đáp án đúng là B

Giải thích: Electron tự do có trong kim loại nên mảnh nhôm là đáp án đúng.

Bài 20.8 trang 45: Dòng điện trong kim loại là gì?

A. Là dòng chất điện tương tự như chất lỏng dịch chuyển có hướng.

B. Là dòng các electron tự do dịch chuyển có hướng.

C. Là dòng các hạt nhân nguyên tử kim loại dịch chuyển có hướng.

D. Là dòng các nguyên tử kim loại dịch chuyển có hướng.

Bài giải:

Đáp án đúng là B

Giải thích: Dòng điện trong kim loại là dòng các electron tự do dịch chuyển có hướng.

Bài 20.9 trang 45: Khi nối liền hai cực của pin bằng dây dẫn kim loại với hai đầu của bóng đèn thì có các điện tích dịch chuyển như thế nào qua dây dẫn có dây tóc bóng đèn?

A. Các điện tích dương dịch chuyển từ cực dương sang cực âm.

B. Các điện tích dương dịch chuyển từ cực âm sang cực dương.

C. Các electron tự do dịch chuyển từ cực âm sang cực dương.

D. Các electron tự do dịch chuyển từ cực dương sang cực âm.

Bài giải:

Đáp án đúng là C

Giải thích: Khi nối liền hai cực của pin bằng dây dẫn kim loại với hai đầu của bóng đèn thì có các electron tự do dịch chuyển từ cực âm sang cực dương.

Bài 20.10 trang 46: Chất nào dẫn điện tốt nhất trong các chất sau đây?

A. Nhôm

B. Đồng

C. Sắt

D. Vàng

Bài giải:

Đáp án đúng là B

Giải thích: Thứ tự các chất dẫn điện tốt là: Đồng đẫn điện tốt hơn vàng, vàng dẫn điện tốt hơn nhôm, nhôm dẫn điện tốt hơn sắt. Vì vậy đáp án B là đáp án chính xác nhất.

Bài 20.11 trang 46: Trong các chất dưới đây, chất nào không là chất cách điện?

A. Than chì

B. Nhựa

C. Gỗ khô

D. Cao su

Bài giải:

Đáp án đúng là A

Giải thích: Vì than chì là chất dẫn điện chứ không phải là chất cách điện.

Bài 20.12 trang 46: Vật nào dưới đây không cho dòng điện chạy qua?

A. Một đoạn dây nhôm

B. Một đoạn dây nhựa

C. Một đoạn ruột bút chì

D. Một đoạn dây thép

Bài giải:

Đáp án đúng là B

Giải thích: Vì nhựa là chất cách điện nên không cho dòng điện chạy qua.

Bài 20.13 trang 46: Dòng điện trong các dây dẫn kim loại là dòng electron tự do dịch chuyển có hướng. Các electron tự do này do đâu mà có?

A. Do các dây dẫn này bị nhiễm điện khi nhận thêm các electron.

B. Do các nguồn điện sản ra các electron và đẩy chúng dịch chuyển trong các dây dẫn.

C. Do các electron này bứt khỏi nguyên tử kim loại và chuyển động tự do trong dây dẫn.

D. Do cả 3 nguyên nhân nói trên.

Bài giải:

Đáp án đúng là C

Giải thích: Dòng điện trong các dây dẫn kim loại là dòng electron tự do dịch chuyển có hướng. Các electron tự do này do các electron này bứt khỏi nguyên tử kim loại và chuyển động tự do trong dây dẫn.

Bài 20.14 trang 46: Đánh dấu (x) vào ô đúng hoặc sai cho mỗi câu phát biểu dưới đây?

Đúng Sai
a. Trong các kim loại có rất nhiều electron tự do.
b. Kim loại cho các điện tích dịch chuyển qua nó.
c. Không khí không bao giờ cho dòng điện đi qua.
d. Trong mạch điện kín dây dẫn bằng đồng, các electron tự do trong dây dẫn dịch chuyển từ cực dương sang cực âm của nguồn điện.
e. Cao su là chất cách điện tốt hơn nhựa.

Bài giải:

Câu đúng là: a, b, e.

Câu sai là: c, d.

Bài 20.15 trang 47: Ghép mỗi cụm từ ở cột bên trái với một đoạn câu ở cột bên phải để được một câu hoàn chỉnh, có nội dung đúng.

1. Chất cách điện

2. Dòng điện

3. Chất dẫn điện

4. Dòng điện trong kim loại

a. là do điện tích dịch chuyển có hướng.

b. cho các điện tích dịch chuyển có hướng.

c. không cho các điện tích dịch chuyển có hướng.

d. là do các nguyên tử dịch chuyển có hướng.

e. là do các electron tự do dịch chuyển có hướng


Bài giải:

1 - c

2 - a

3 - b

4 - e

Bài 20.16 trang 47: Hãy đối chiếu hệ thống truyền chuyển động của xe đạp và mạch điện kín làm quay quạt điện để tìm được hình ảnh tương tự với hiện tượng "nhanh như điện" bằng cách điền các từ thích hợp vào chỗ trống trong các câu dưới đây:

a. Bánh đĩa gắn liền với bàn đạp tương tự như... trong mạch điện kín.

b. Bánh răng (còn gọi là líp) gắn liền với bánh xe sau của xe đạp tương tự như... lắp trong mạch điện kín.

c. Dây xích vòng qua và khép kín giữa bánh đĩa và bánh răng của xe đạp tương tự như... trong mạch điện kín.

d. Các mắt xích của dây xích trong xe đạp tương tự như... có tại mọi nơi trong... của mạch điện kín.

e. Khi đạp bàn đạp thì bánh xe sau của xe đạp lập tức chuyển động tương tự như khi... thì quạt điện lắp trong mạch điện kín lập tức quay. Thật đúng là "nhanh như điện".

Bài giải:

a. Nguồn điện

b. Quạt điện

c. Dây dẫy

d. Electron tự do- dây nối (dây dẫn)

e. Đóng công tắc