Bài 5: Ấn Độ thời phong kiến - trang 16 sgk Lịch Sử 7
Trả lời câu hỏi Lịch Sử 7 Bài 5
Câu hỏi trang 16 sgk Lịch Sử 7: - Các tiểu vương quốc đầu tiên đã được hình thành bao giờ và ở khu vực nào trên đất nước Ấn Độ?
Giải đáp:
- Các tiểu vương quốc đầu tiên được hình thành khoảng 2500 năm TCN đến 1500 năm TCN, dọc theo hai bờ sông Ấn, sông Hằng ở vùng Đông Bắc Ấn. Tại nơi đây đã xuất hiện những thành thị của người Ấn được gọi là các tiểu vương quốc.
- Các thành thị tiểu vương quốc này liên kết với nhau hình thành nhà nước Ma-ga-đa rộng lớn ở hạ lưu sông Hằng. Đến cuối thế kỉ III TCN, dưới thời vua A-sô-ca, đất nước Ma-ga-đa phát triển hùng mạnh.
Câu hỏi trang 16 sgk Lịch Sử 7: - Sự phát triển của Ấn Độ dưới Vương triều Gúp – ta được biểu hiện như thế nào?
Giải đáp:
- Vương triều Gúp – ta là thời kì phát triển của chế độ phong kiến ở miền Bắc Ấn Độ cả về kinh tế và văn hóa:
+ Về kinh tế: cư dân Ấn Độ đã biết sử dụng rộng rãi đồ sắt, kinh tế nông nghiệp có điều kiện phát triển mạnh mẽ.
+ Về xã hội: xã hội Ấn Độ dưới thời Vương triều Gúp – ta đạt tới sự thịnh trị, kéo dài từ giữa thế kỉ V đến đầu thế kỉ VI thì bị diệt vong.
+ Về văn hóa: dưới thời Vương triều Gúp – ta, nền văn hóa Ấn đạt nhiều thành tựu to lớn.....
Câu hỏi trang 16 sgk Lịch Sử 7: - Em hãy nêu những chính sách cai trị của người Hồi giáo và người Mông Cổ ở Ấn Độ.
Giải đáp:
- Những chính sách cai trị của Vương triều Hồi giáo Đê – li (của người Hồi giáo):
+ Quý tộc Hồi giáo chiếm đoạt ruộng đất của người Ấn,
+ Cấm đoán đạo Hin – đu, khiến mâu thuẫn dân tộc trở nên sâu sắc.
- Chính sách cai trị của Vương triều Ấn Độ Mô – gôn (của người Mông Cổ):
+ Xóa bỏ sự kì thị tôn giáo,
+ Thủ tiêu đặc quyền Hồi giáo,
+ Khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa.
Câu hỏi trang 17 sgk Lịch Sử 7: - Hãy kể tên những tác phẩm văn học nổi tiếng của Ấn Độ mà em biết.
Giải đáp:
- Nổi tiếng nhất ở Ấn Độ thời cổ đại là hai bộ sử thi là Ma-ha-bha-ra-ta và Ra-ma-ya-na.
- Đến thời Gúp – ta có Ka-li-đa-sa – ngôi sao sáng của sân khấu và văn học Ấn Độ, tác giả của nhiều vở kịch nổi tiếng, trong đó có vở Sơ-kun-tơ-la luôn là niềm tự hào của nhân dân Ấn Độ trong suốt 15 thế kỉ qua.
Bài 1 (trang 17 sgk Lịch sử 7): Em hãy lập niên biểu các giai đoạn phát triển lịch sử của Ấn Độ.
Thời gian | Sự kiện |
2500 năm TCN | Hình thành vương quốc trên lưu vực sông Ấn. |
Từ 1500 năm TCN đến thế kỉ III TCN | Xuất hiện những thành thị trên lưu vực sông Hằng; nước Ma-ga-đa ra đời. |
Từ thế kỉ III TCN đến đầu thế kỉ IV | Ấn Độ bị chia cắt. Đầu thế kỉ IV được thống nhất. |
Từ đầu thế kỉ IV đến đầu thế kỉ VI | Sự thống trị của Vương triều Gúp – ta. |
Thế kỉ XII đến thế kỉ XVI | Sự thống trị của Vương triều Hồi giáo Đê – li. |
Đầu thế kỉ XVI đến giữa thế kỉ XIX | Sự thống trị của Vương triều Ấn Độ Mô – gôn. |
Bài 2 (trang 17 sgk Lịch sử 7): Em hãy nêu những nghề thủ công truyền thống và những hàng thủ công nổi tiếng của Ấn Độ mà em biết.
Giải đáp:
- Những nghề thủ công truyền thống của Ấn Độ là:
+ Nghề luyện sắt và đúc sắt.
+ Nghề làm đồ gốm, có xưởng gốm mịn, tráng men màu thẫm, ngả từ màu xanh thép sang màu xám thẫm và đen bóng.
+ Nghề dệt bông, đay, dệt tơ lụa.
+ Nghề làm đồ gỗ.
- Những hàng thủ công nổi tiếng là:
+ Hàng len thô dệt bằng lông cừu.
+ Vải trắng dệt sợi bông.
+ Hàng dệt bằng tơ lụa.
+ Đồ gốm: chén, bát, đĩa... đạt trình độ cao.
Bài 3 (trang 17 sgk Lịch sử 7): Người Ấn Độ đã đạt được những thành tựu gì về văn hóa?
Giải đáp:
Những thành tựu về văn hóa của người Ấn Độ:
Lĩnh vực | Thành tựu |
Chữ viết | Chữ Phan xuất hiện sớm – khoảng 1500 năm TCN, là nguồn gốc của chữ viết Hin – đu. |
Tôn giáo | Là quê hương của đạo Bà La Môn, đạo Hin – đu, đạo Phật. |
Văn học | Phát triển phong phú với nhiều thể loại: giáo lí, chính luận, luật pháp, sử thi, kịch thơ. |
Nghệ thuật kiến trúc | Ảnh hưởng sâu sắc của các tôn giáo (Hin-đu, Phật giáo) với những công trình kiến trúc đền, chùa độc đáo. |