Bài 26: Quang Trung xây dựng đất nước - trang 132 sgk Lịch Sử 7
Trả lời câu hỏi Lịch Sử 7 Bài 26
Câu hỏi trang 132 sgk Lịch Sử 7: - Tại sao "mở cửa ải, thông chợ búa" thì công thương nghiệp được phát triển?
Giải đáp:
- "Mở cửa ải": để buôn bán trao đổi hàng hóa với các nước.
- "Thông chợ búa": để nhân dân trong nước mua bán trao đổi sản phẩm với nhau.
→ Buôn bán trong và ngoài nước phát triển sẽ tạo điều kiện cho thủ công nghiệp phát triển → Thủ công nghiệp phát triển tạo điều kiện cho thương nghiệp phát triển.
Câu hỏi trang 132 sgk Lịch Sử 7: - Chiếu lập học nói lên hoài bão gì của vua Quang Trung?
Giải đáp:
Qua " Chiếu lập học" - Quang Trung muốn tiến tới thay thế tài liệu học tập bằng tiếng mẹ đẻ, thoát li hẳn sự lệ thuộc vào văn tự nước ngoài.
Bài 1 (trang 133 sgk Lịch sử 7): Vua Quang Trung có những chính sách gì để phục hồi, phát triển kinh tế, ổn định xã hội và phát triển văn hóa dân tộc?
Giải đáp:
* Những chính sách để phục hồi, phát triển kinh tế, ổn định xã hội và phát triển văn hóa dân tộc của Vua Quang Trung:
a. Kinh tế:
* Nông Nghiệp:
- Ban hành Chiếu khuyến nông để giải quyết tình trạng ruộng đất bỏ hoang và nạn lưu vong.
- Kết quả: Mùa màng trở lại phong đăng. Cảnh thái bình đã trở lại.
* Thủ công nghiệp và thương nghiệp:
- Giảm hoặc Bãi bỏ nhiều loại thuế.
- Mở cửa ải thông chợ búa.
- Kết quả: Hàng hóa lưu thông không bị ngưng đọng. Nghề thủ công và buôn bán được phục hồi dần.
b. Phát triển văn hóa dân tộc:
- Ban bố Chiếu lập học.
- Dùng chữ Nôm làm chữ viết thức của nhà nước.
.- Lập Viện Sùng chính để dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm, làm tài liệu học tập.
Bài 2 (trang 133): Đường lối ngoại giao của vua Quang Trung có ý nghĩa như thế nào?
Giải đáp:
* Đường lối ngoại giao của Vua Quang Trung:
- Đối với Lê Duy Chỉ ở phía Bắc, Nguyễn Ánh ở Gia Định: Kiên quyết tiến quân đánh dẹp (tiêu diệt).
- Đối với nhà Thanh: Mềm dẻo nhưng cương quyết bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.
* Ý nghĩa chính sách ngoại giao:
- Tránh cho đất nước bị chia cắt, chiến tranh.
- Bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ dân tộc, tạo sự hòa hiếu láng giềng với nhà Thanh.
Bài 3 (trang 133): Tóm tắt những nét chính về sự nghiệp của vua Quang Trung.
Giải đáp:
- Năm 1771: Dựng cờ khởi nghĩa, trở thành một trong ba lãnh tụ cao nhất của phong trào Tây Sơn.
- Năm 1775: Tổng chỉ huy xuất sắc trận đánh Phú Yên, tạo ra bước ngoặt quan trọng cho toàn bộ quá trình phát triển mạnh mẽ sau đó của phong trào.
- Năm 1777: Tổng chỉ huy cuộc tấn công vào Gia Định lần thứ hai, lật đổ cơ đồ thống trị của họ Nguyễn.
- Năm 1782: Chỉ huy cuộc tấn công vào Gia Định lần thứ tư, đánh cho Nguyễn Ánh đại bại.
- Năm 1783: Tổng chỉ huy cuộc tấn công vào Gia Định lần thứ năm, đuổi tập đoàn Nguyễn Ánh ra khỏi bờ cõi.
- Năm 1785: Tổng chỉ huy trận Rạch Gầm – Xoài Mút, đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược.
- Năm 1786: Tổng chỉ huy các đợt tấn công tiêu diệt chính quyền họ Trịnh.
- Ngày 22/12/1788: Lên ngôi Hoàng đế tại Núi Bân (Phú Xuân – Huế). Niên hiệu Quang Trung bắt đầu xuất hiện từ đây.
- Năm 1789: Tổng chỉ huy trận Ngọc Hồi – Đống Đa, quét sạch 29 vạn quân Thanh và bè lũ tay sai phản quốc Lê Chiêu Thống ra khỏi bờ cõi.
- Từ 1789 đến 1792: Ban bố Chiếu khuyến nông, Chiếu lập học, tiến hành những cải cách tích cực và táo bạo.
- Ngày 15/9/1792: Quang Trung đột ngột qua đời, để lại niềm thương tiếc khôn nguôi cho lớp lớp những thế hệ người Việt Nam yêu nước.
Bài trước: Bài 25 phần 4: Phong trào Tây Sơn - trang 127 sgk Lịch Sử 7 Bài tiếp: Bài 27 phần 1: Chế độ phong kiến nhà Nguyễn - trang 136 sgk Lịch Sử 7