Trang chủ > Lớp 7 > Giải BT Địa Lí 7 > Bài 27: Thiên nhiên châu Phi (tiếp theo) - trang 85 SGK Địa Lí 7

Bài 27: Thiên nhiên châu Phi (tiếp theo) - trang 85 SGK Địa Lí 7

Trả lời câu hỏi Địa Lí 7 Bài 27

Câu hỏi trang 85 sgk Địa Lí 7: - Dựa vào kiến thức đã học, kết hợp quan sát các hình 26.1 và hình 27.1, giải thích vì sao:

- Châu Phi là châu lục nóng.

- Khí hậu châu Phi khô, hình thành những hoang mạc lớn.

Trả lời câu hỏi Địa Lí 7 Bài 27 ảnh 1

Giải đáp:

- Châu Phi là lục địa nóng bởi vì phần lớn lãnh thổ nằm giữa hai chí tuyến.

- Khí hậu châu Phi khô, hình thành những hoang mạc lớn nhất thế giới (hoang mạc Xa-ha-ra) là bởi:

+ Chí tuyến Bắc đi qua giữa Bắc Phi, nên quanh năm Bắc Phi nằm dưới áp cao cận chí tuyến, thời tiết rất ổn định, không có mưa

+ Phía bắc của Bắc Phi là lục địa Á - Âu, một lục địa lớn nên gió mùa Đông Bắc từ lục địa Á - Ầu thổi vào Bắc Phi khô ráo, khó gây ra mưa.

+ Lãnh thổ Bắc Phi rộng lớn, lại có độ cao trên 200m nên ảnh hưởng của biển khó ăn sâu vào đất liền.

Câu hỏi trang 86 sgk Địa Lí 7: - Quan sát hình 27.1, cho biết các dòng biển nóng, lạnh có ảnh hưởng tới lượng mưa các vùng ven biển châu Phi như thế nào?

Giải đáp:

- Dòng biển lạnh Ca-na-ri chảy ven bờ biển Tây Bắc châu Phi, dòng biển lạnh Ben-ghê-la chảy ven bờ biển Tây Nam châu Phi, lượng mưa vùng ven biển dưới 200mm.

- Dòng biển nóng Ghi-nê chảy ven vịnh Ghi-nê, lượng mưa vùng ven biển trên 2.000mm.

- Dòng biển nóng Xô-ma-li, dòng biển nóng Mô-dăm-bích, dòng biển nóng Mũi Kim chảy ven bờ biển Đông châu Phi, lượng mưa vùng ven biển từ l. 000mm đến 2.000mm.

Câu hỏi trang 86 sgk Địa Lí 7: - Quan sát hình 27.2, nhận xét về sự phân bố của các môi trường tự nhiên ở cháu Phi. Giải thích vì sao lại có sự phân bố như vậy?

Trả lời câu hỏi Địa Lí 7 Bài 27 ảnh 2

Giải đáp:

- Châu Phi có các môi trường tự nhiên: xích đạo ẩm, nhiệt đới, hoang mạc và môi trường địa trung hải.

- Sự phân bố của các môi trường tự nhiên như sau:

+ Môi trường xích đạo ẩm: gồm bồn địa Công-gô và một dải hẹp ở ven vịnh Ghi-nê.

+ Môi trường cận nhiệt đới ẩm ở vùng ven biển cực đông Nam châu Phi và phía đông đảo Ma – đa – ga – xca

+ Môi trường nhiệt đới: nằm ở phía Bắc; phía Nam xích đạo và phía Tây đảo Ma – đa – ga - xca

+ Hai môi trường hoang mạc: gồm hoang mạc Xa-ha-ra ở Bắc Phi; hoang mạc Ca-la-ha-ri, hoang mạc Na-mip ở Nam Phi.

+ Hai môi trường địa trung hải: gồm dãy At-lat và vùng đồng bằng ven biển Bắc Phi, vùng cực Nam châu Phi.

- Các môi trường tự nhiên của châu Phi nằm đối xứng qua xích đạo. Nguyên nhân: do đường xích đạo đi ngang qua giữa lãnh thổ châu Phi nên có sự đối xứng của các đới khí hậu qua xích đạo.

Bài 1 trang 87 sgk Địa Lí 7

Câu hỏi: Quan sát các hình 27.1,27.2 và dựa vào kiến thức đã học, nêu mối quan hệ giữa lượng mưa và lớp phủ thực vật ở châu Phi.
Bài 1 trang 87 sgk Địa Lí 7 ảnh 1
Bài 1 trang 87 sgk Địa Lí 7 ảnh 2

Giải đáp:

Mối tương quan giữa lượng mưa và lớp phủ thực vật ở châu Phi:

- Lượng mưa dưới 200mm: môi trường hoang mạc.

- Lượng mưa 200 - 1000mm: môi trường nhiệt đới và môi trường địa trung hải.

- Lượng mưa trên 1000mm: môi trường nhiệt đới và xích đạo ẩm.

Bài 2 trang 87 sgk Địa Lí 7

Câu hỏi: Xác định vị trí, ranh giới của môi trường hoang mạc và môi trường nhiệt đới trên hình 27.2. Nêu đặc điểm của hai loại môi trường này. Giải thích tại sao hoang mạc lại chiếm diện tích lớn ở Bắc Phi?
Bài 2 trang 87 sgk Địa Lí 7 ảnh 1

Giải đáp:

- Xác định vị trí, ranh giới của môi trường hoang mạc và môi trường nhiệt đới trên hình 27.2

+ Hai môi trường nhiệt đới: nằm ở phía bắc và nam Xích đạo.

+ Hai môi trường hoang mạc: gồm hoang mạc Xa-ha-ra ở phía Bắc và hoang mạc Ca-la-ha-ri, hoang mạc Na-mip ở Nam Phi. Các hoang mạc này đều nằm ở khu vực chí tuyến.

- Đặc điểm của môi trường nhiệt đới và môi trường hoang mạc:

+ Hai môi trường nhiệt đới: càng xa xích đạo lượng mưa càng giảm, rừng rậm nhường chỗ cho rừng thưa và xavan cây bụi. Nhờ nguồn thức ăn phong phú, xavan là nơi tập trung nhiều động vật ăn cỏ và ăn thịt.

+ Hai môi trường hoang mạc: khí hậu khắc nghiệt, mưa rất hiếm, có sự chênh lệch lớn về nhiệt độ giữa ngày và đêm; thực vật và động vật nghèo nàn.

- Nguyên nhân khiến cho hoang mạc chiếm diện tích lớn ở Bắc Phi:

+ Chí tuyến Bắc đi qua giữa Bắc Phi, nên quanh năm Bắc Phi nằm dưới áp cao cận chí tuyến, thời tiết rất ổn định, không có mưa.

+ Phía bắc của Bắc Phi là lục địa Á - Âu, một lục địa lớn nên gió mùa Đông Bắc từ lục địa Á-Âu thổi vào Bắc Phi khô ráo, khó gây ra mưa.

+ Lãnh thổ Bắc Phi rộng lớn, lại có độ cao trên 200m nên ảnh hưởng của biển khó ăn sâu vào đất liền.