Trang chủ > Lớp 7 > Soạn Văn 7 VNEN > Soạn văn 7 VNEN Bài 13: Tiếng gà trưa - Trang 81 Ngữ Văn 7 VNEN tập 1

Soạn văn 7 VNEN Bài 13: Tiếng gà trưa - Trang 81 Ngữ Văn 7 VNEN tập 1

A. Hoạt động khởi động

(Trang 81 Ngữ Văn 7 VNEN tập 1).

1. Khổ thơ sau nói về nội dung cảm xúc gì?

Nhớ bà bên bếp lửa hồng

Nhớ bà bên luống cải ngồng vàng ươm

Nhớ bà gánh nước thổi cơm

Lon ton cháu chạy trên con đường làng.

2. Chia sẻ 1 kỉ niệm của em được gợi ra từ khổ thơ trên

Hướng dẫn giải:

1. Khổ thơ trên gợi lại những kỉ niệm của hai bà cháu, qua đó thể hiện tình yêu thương, nỗi nhớ của người cháu đối với người bà.

2. Một kỉ niệm đáng nhớ với bà đó chính là những câu chuyện cổ tíc mà bà kể khi em còn ấu thơ.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản sau: Tiếng gà trưa

(Trang 83 Ngữ Văn 7 VNEN tập 1).

2. Tìm hiểu văn bản:

a. Cảm xúc của nhà thơ được khơi gợi từ sự việc nào? Theo âm thanh của “tiếng gà trưa”, hãy ghi lại mạch cảm xúc của tác giả bài thơ?

Hướng dẫn giải:

a. Cảm xúc của nhà thơ được khơi gợi từ sự việc sau:

- Khi dừng chân trong 1 xóm nhỏ giữa chặng đường hành quân người chiến sĩ nghe thấy tiếng gà nhà ai nhảy ổ. Bỗng những kỉ niệm thời thơ ấu bên bà ùa về trong suy nghĩ của tác giả.

- Theo âm thanh của "tiếng gà trưa", diễn biến mạch cảm xúc: hiện tại – quá khứ - hiện tại. Mạch cảm xúc tự nhiên mà đầy sức gợi. Từ tiếng gà cục tác đến những kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ, hình ảnh người bà tần tảo, khắc sâu hình ảnh quê hương.

b. Từ "tiếng gà trưa", những hình ảnh và kỉ niệm nào của tuổi thơ đã sống dậy một cách cụ thể và xúc động trong tâm trí nhà thơ? Điều đó giúp em nhận ra những tình cảm nào của người viết.

Hướng dẫn giải:

- Từ "tiếng gà trưa", những hình ảnh và kỉ niệm của tuổi thơ đã sống dậy một cách cụ thể và xúc động trong tâm trí nhà thơ đó là:

+ Hình ảnh của đàn gà: Hình ảnh những con gà mái mơ, mái vàng và ổ trứng hồng đẹp như trong tranh.

+ Tiếng bà mắng cháu: khi một lần người cháu tò mò xem gà đẻ trứng, kỉ niệm về tuổi thơ nơi làng quê bình dị.

+ Hình ảnh người bà: chắt chiu từng quả trứng, chăm lo cho cháu.

=> Qua đó, em nhận ra tình cảm yêu thương, quý trọng, nhung nhớ mà người cháu nghĩ đến bà của mình.

c. Em cảm nhận được gì về hình tượng người bà và tình cảm của bà cháu trong bài thơ?

Hướng dẫn giải:

Qua bài thơ "Tiếng gà trưa" em cảm nhận được tình cảm bà cháu thật sâu đậm và thắm thiết. Bà là người tảo tần, chịu thương, chịu khó chăm sóc đứa cháu bé bỏng của mình. Bà cố gắng chắt chiu từng quả trứng, để dành từng con gà để mua cho cháu bộ quần áo mới. Bà luôn chăm lo cho cháu dù cuộc sống có nhiều khó khăn. Khi lớn lên người cháu dù có xa quê hương nhưng người cháu vẫn luôn biết ơn, yêu quý, nhớ đến bà, nhớ quê hương.

d. Về ý nghĩa của bài thơ, có ý kiến cho rằng: Bài thơ là tình cảm bà cháu đằm thắm, sâu nặng. Nhưng cũng có ý kiến nhấn mạnh: Bài thơ là sự hòa điệu giữa tình cảm gia đình, tình bà cháu và tình quê hương, đất nước. Em tán thành với ý kiến nào. Vì sao?

Hướng dẫn giải:

Em tán thành với cả 2 ý kiến trên bởi vì: Những tình cảm lớn lao luôn được bắt nguồn từ tình yêu bé nhỏ, giản dị nhất, đó có thể là tình yêu “ổ trứng trẻ thơ”, là tình yêu dành cho bà rồi sẽ trở thành tình yêu quê hương, tình yêu đất nước.

=> Tình cảm yêu quê hương đất nước bắt đầu từ những tình cảm gia đình, tình bà cháu, từ tiếng gà trưa…

e. Theo em, bài thơ có gì đặc sắc, độc đáo về thể thơ, ngôn từ thơ, cách gieo vần, hình ảnh thơ, các biện pháp nghệ thuật? Những đặc điểm ấy đã góp phần thể hiện thành công tình cảm cảm xúc của nhà thơ như thế nào?

Hướng dẫn giải:

* Bài thơ có những điều đặc sắc, độc đáo về thể thơ, ngôn từ thơ, cách gieo vần, hình ảnh thơ, các biện pháp nghệ thuật, cụ thể:

- Về thể thơ: Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn, thường mỗi khổ trong một bài ngũ ngôn có 4 câu nhưng bài này chỉ có ba khổ 4 câu, các khổ khác có đến 5 hoặc sáu câu, riêng khổ thứ nhất có đến 7 câu.

- Cách gieo vần: trong bài thơ cũng rất linh hoạt khơi gợi cảm xúc.

- Hình ảnh thơ: bình dị, quen thuộc.

=> Những đặc điểm ấy đã góp phần giữ cho mạch cảm xúc của bài thơ liền mạch, khiến cho những kỉ niệm và hình ảnh thơ luôn da diết, nồng nàn từ đó thể hiện sâu sắc hơn tình yêu thương, biết ơn của người cháu đối với bà của mình.

3. Tìm hiểu về điệp ngữ

a. Trong bài thơ Tiếng gà trưa, những từ ngữ nào được lặp đi lặp lại nhiều lần.

b. Theo em tác dụng của việc lặp đi lặp lại những từ ngữ ấy là gì?

c. Từ những nội dung vừa thực hiện, hãy đọc và hoàn thiện nhận định sau:

Điệp từ là biện pháp............... để......................

Hướng dẫn giải:

a. Trong bài thơ "Tiếng gà trưa" từ "vì, nghe, này" - được lặp đi lặp lại.

b. Tác dụng của việc lặp những từ ngữ đó là: Gợi lên tâm tư tình cảm của người lính trẻ trên con đường hành quân xa. Tiếng gà trưa đã đánh thức những suy tư, hồi ức về người bà đáng kính.

c. Điệp từ là biện pháp lặp đi lặp lại từ để khơi gợi, nhấn mạnh cảm xúc của người cháu về bà khi đi hành quân

d. Điệp ngữ có dạng: điệp ngữ cách quãng, điệp ngữ nối tiếp, điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng). Hãy nối các dạng điệp ngữ trên bới các ví dụ minh họa mà em cho là phù hợp, từ đó nêu cách hiểu của em về từng dạng điệp ngữ

1. Điệp ngữ cách quãng

a. Cứ hàng năm hàng năm

Khi gió mùa đông tới

Bà lo đàn gà toi

Mong trời đừng sương muối

(Xuân Quỳnh)

2. Điệp ngữ nối tiếp

b. Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

(Đoàn Thị Điểm)

3. Điệp ngữ chuyển tiếp

c. Tiếng gà trưa

Ổ rơm hồng những trứng

Này con gà mái tơ

Khắp mình hoa đốm trắng

Này con gà mái vàng

Lông óng như màu nắng.

(Xuân Quỳnh)

Hướng dẫn giải:

1 - c; 2 - a; 3 - b

4. Tìm hiểu về thơ lục bát

(Trang 84 Ngữ Văn 7 VNEN tập 1).

a. Đọc những thông tin (trang 84 sách vnen ngữ văn 7 tập 1).

b. Từ những thông tin trên, hãy đọc văn bản dưới đây và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao

(1) Văn bản trên được viết theo thể nào? Vì sao em biết?

(2) Dựa vào mô hình nêu ở mục a, hãy kẻ bảng và điền các kí hiệu B, T, V ứng với mỗi tiếng của văn bản này.

(3) Em có nhận xét gì bề thanh điệu của các tiếng thứ sáu và tiếng thứ tám trong câu 8?

(4) Hãy nêu nhận xét của em về vị trí vần trong văn bản

Hướng dẫn giải:

(1) Văn bản trên được viết theo thể thơ lục bát, vì: Dòng trên câu thơ có 6 chữ, dòng dưới có 8 chữ.

(2)

B B B T B BV

T B B T, T BV B BV

T B T T B BV

T B T T B BV B BV

(3) Nhận xét:

- Dòng bát thứ nhất:

+ Tiếng thứ 6 thanh trầm

+ Tiếng thứ 8 thanh bằng.

- Dòng bát thứ hai:

+ Tiếng thứ 6 thanh trầm

+ Tiếng thứ 8 thanh bổng.

(4) Nhận xét về vị trí vần trong văn bản:

Vần: vần luôn là vần bằng thường đứng ở vị trí cuối câu (vần chân) tiếng thứ 6 câu sáu- hiệp tiếng thứ 6 câu 8. Tiếng 8 của câu 8 sẽ hiệp với tiếng 6 của câu 6 tiếp theo.

C. Hoạt động luyện tập

1. Luyện tập đọc hiểu

(Trang 85 Ngữ Văn 7 VNEN tập 1).

a. Em thích hình ảnh thơ/ câu thơ/ khổ thơ nào nhất trong bài Tiếng gà trưa? Vì sao?

b. Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) nêu cảm nghĩ của em về tình bà cháu trong bài thơ Tiếng gà trưa.

Hướng dẫn giải:

a. Em thích nhất khổ cuối của bài Tiếng gà trưa vì: Khổ thơ nêu bật lòng yêu Tổ quốc của người cháu được bắt nguồn từ tình yêu xóm làng thân thuộc, tình yêu thương, kính trọng bà, vì tình yêu tiếng gà cục tác và cả vì tình yêu những ổ trứng hồng tuổi thơ.

b. Tình bà cháu trong bài thơ Tiếng gà trưa thật tha thiết và sâu nặng. Người bà hiện lên trong bài thơ là một người bà tảo tần, chắt chiu từng quả trứng, từng con gà, để nuôi cháu khôn lớn. Bà hiện lên như một người mẹ tràn đầy tình yêu thương nồng ấm và cũng nghiêm khắc dạy dỗ cháu nên người. Chính vì thế, trên chặng đường hành quân vất vả, dừng chân nghỉ giải lao bên làng quê thanh bình, nghe tiếng gà trưa văng vẳng, người cháu đã gợi lại những kí ức tuổi thơ êm đềm bên bà. Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, bài thơ gợi lại những kỷ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu đồng thời thể hiện lòng kính trọng, biết ơn của người cháu đối với bà, cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước.

2. Luyện tập về điệp ngữ (Trang 85 Ngữ Văn 7 VNEN tập 1)

a. Hãy tìm điệp ngữ trong những đoạn trích sau đây và cho biết giá trị biểu đạt của nó:

Người ta đi cấy lấy công,

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.

Trông trời, trông đất, trông mây,

Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.

Trông cho chân cứng đá mềm,

Trời êm, biển lặng mới yên tấm lòng.

(Ca dao)

Hướng dẫn giải:

Những điệp ngữ trong đoạn trích trên được in đậm:

Người ta đi cấy lấy công,

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.

Trông trời, trông đất, trông mây,

Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.

Trông cho chân cứng đá mềm,

Trời êm, biển lặng mới yên tấm lòng.

Giá trị biểu đạt của những điệp ngữ trên:

- Điệp ngữ “trông” được lặp đi, lặp lại 9 lần: thể hiện sự lo lắng, chủ động của người nông dân trăm bề cực nhọc và vất vả làm ra hạt thóc, hạt gạo.

- Điệp ngữ "đi cấy" được lặp lại 2 lần: thể hiện sự khác biệt trong hành động đi cấy của mình với người khác.

b. Tìm và xác định dạng điệp ngữ trong các trường hợp sau:

(1)

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

(2) Vậy mà giờ đây, anh em tôi sắp phải xa nhau. Có thể sẽ xa nhau mãi mãi. Lạy trời đây chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ thôi.

Hướng dẫn giải:

Trong ý (1), xuất hiện 2 điệp ngữ. Cụ thể:

- lồng.... lồng => điệp từ cách quãng.

- chưa ngủ.... Chưa ngủ => điệp từ chuyển tiếp.

Trong ý (2), cũng có 2 điệp ngữ:

- Xa nhau … xa nhau … => điệp ngữ cách quãng.

- Một giấc mơ. Một giấc mơ => điệp ngữ vòng tròn.

3. Luyện nói: Phát biển cảm nghĩ về tác phẩm văn học

(Trang 86 Ngữ Văn 7 VNEN tập 1).

Tình huống: Phát biểu cảm nghĩ về một trong hai bài thơ Cảnh khuya, Rằm tháng giêng - Hồ Chí Minh.

Hướng dẫn giải:

Bài thơ Cảnh khuya được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào năm 1947 ở chiến khu Việt Bắc. Cuối năm 1947, quân Pháp ồ ạt tấn công lên Việt Bắc hòng tiêu diệt lực lượng chủ yếu và cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến. Chiến dịch Việt Bắc của quân và dân ta làm thất bại ý đồ của địch và tiêu diệt nhiều lực lượng của chúng. Giữa hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề và những thử thách ác liệt tưởng chừng khó có thể vượt qua. Bác Hồ vẫn giữ được phong thái ung dung, tự tại. Người vẫn dành cho mình những giây phút thanh thản để thưởng thức vẻ đẹp cua thiên nhiên nơi chiến khu Việt Bắc. Mở đầu bức tranh thiên nhiên Việt Bắc là cảnh đêm khuya dưới ánh trăng và âm thanh tiếng suối trong trẻo:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Hai câu thơ gợi lên một cảnh đêm khuya nơi chiến khu Việt Bắc trong một đêm trăng vô cùng thanh bình êm ả, huyền ảo, thân tình. Màn đêm buông xuống, mọi vật chìm trong tĩnh lặng, ánh trăng lên cao và bắt đầu lan tỏa, bao phủ khắp mặt đất. Ánh trăng soi vào bóng cây cô thụ lồng vào tán cây. Khi bóng tán cây được trăng chiếu vào in hình xuống mặt đất thành những bông hoa tuyệt đẹp. Bóng trăng và bóng cây quấn quýt, lồng vào từng khóm hoa rồi in lên mặt đất. Điệp từ lồng được nhắc lại tới 2 lần trong cùng một câu thơ tạo nên một khung cảnh thiên nhiên lung linh được quan sát thật tinh tế. Trong không gian yên tĩnh ấy, âm thanh tiếng suối vang vọng trong trẻo như tiếng hát trữ tình sâu lắng. Đó là nghệ thuật lấy động tả tĩnh, tiếng suối càng làm cho không gian vốn tĩnh lặng lại càng tĩnh lặng hơn. Tiếng suối, bóng trăng, bóng cây, bóng hoa hòa quyện, quấn quýt bên nhau. Thật là một bức tranh “thi trung hữu họa”, “thi trung hữu nhạc”. Người và vật giờ đây đã gắn bó và giao hòa với nhau.

Nếu ở hai câu đầu là cảnh đẹp đêm trăng nơi rừng núi Việt Bắc thì hai câu sau là hình ảnh và tâm trạng của người chiến sĩ vì nước vì dân:

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Giữa bức tranh thiên nhiên rộng lớn và hữu tình như vậy, tâm trạng thi sĩ bỗng vút cao thả hồn theo cảnh đẹp đêm trăng bởi đêm nay Bác chưa ngủ. Bác chưa ngủ một phần vì bức tranh thiên nhiên quá đẹp và Bác chưa ngủ vì thao thức lo lắng cho vận mệnh của đất nước. Bác chưa ngủ vì tâm hồn thi sĩ xao xuyến trước cảnh đẹp, vì nghĩ đến trách nhiệm to lớn, nặng nề của người chiến sĩ khi lãnh đạo nhân dân kháng chiến.

Bài thơ được ra đời giữa thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra ác liệt. Trên chiến khu Việt Bắc trong cảnh đêm khuya tĩnh lặng, Bác Hồ đã có những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi. Mặc dù là một người chiến sĩ nhưng bác cũng là một thi sĩ. Tâm hồn người vẫn lạc quan, ung dung, tự tại, hòa hợp và say đắm tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên trong mọi hoàn cảnh. Song đằng sau bức tranh thiên nhiên huyền ảo, lung linh, ấy là một nỗi niềm đau đáu về vận mệnh dân tộc của một người chiến sĩ cách mạng kiên trung.

4. Luyện tập làm thơ lục bát. (Trang 87 Ngữ Văn 7 VNEN tập 1).

Theo em, những câu lục bát sau sai ở đâu? Hãy sửa lại cho đúng:

Hướng dẫn giải:


D. Hoạt động vận dụng

(Trang 87 Ngữ Văn 7 VNEN tập 1).

Làm hai câu lục bát (có thể nhiều hơn) thể hiện tình cảm của em với ông bà, bố mẹ, anh chị hoặc người em yêu mến.

Hướng dẫn giải:

Những câu lục bát tham khảo

+) Bông hồng màu thắm đẹp tươi

Con xin tặng Mẹ phương trời Việt Nam

+) Thân cò lặn lội quan san

Rầm mưa rãi nắng nuôi đàn con thơ.

(Sưu tầm)

E. Hoạt động tìm tòi mở rộng (Trang 87 Ngữ Văn 7 VNEN tập 1).

Sưu tầm một số bài thơ thể hiện tình cảm bà cháu

Hướng dẫn giải:

Bài thơ thể hiện tình cảm bà cháu như bài Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt

"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,

Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy,

Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!

Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa

Tu hú kêu trên những cánh đồng xa

Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?

Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.

Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!

Mẹ cùng cha công tác bận không về,

Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,

Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,

Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,

Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?

Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi

Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh

Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:

“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,

Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên! ”

Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,

Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng...

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,

Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ...

Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!

Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:

- Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?...